Mới đây, ông Dương, 64 tuổi (Trung Quốc) vốn tin tưởng vào các phương pháp trị liệu tự nhiên nên khi bị cảm, thay vì đi khám bác sĩ, ông đã đến tiệm dưỡng sinh để giác hơi. Sau khi được đặt các ống giác lên lưng, ông cảm thấy căng tức và hơi đau rát. Kết thúc liệu trình, lưng ông xuất hiện nhiều vết bầm tím, nhưng ông tin rằng đó là dấu hiệu cơ thể đang "đẩy độc tố" ra ngoài và bệnh sẽ nhanh khỏi.
Giác hơi là một trong những phương pháp điều trị cổ truyền. Bác sĩ trị liệu đặt những chiếc cốc chuyên dụng lên da để tạo lực hút trong vài phút.
Tuy nhiên, ngay hôm sau, ông lại cảm thấy đau đầu, nghẹt mũi nặng hơn, tình trạng cảm không những không thuyên giảm mà còn tệ hơn. Điều này khiến ông không khỏi thắc mắc: Giác hơi có thực sự chữa được bệnh hay không?
Tác dụng của giác hơi: Thông kinh lạc, giảm đau nhức cơ
Giác hơi là một phương pháp vật lý trị liệu trong y học cổ truyền, được cho là giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau cơ và hỗ trợ hồi phục. Một nghiên cứu của Đại học Y khoa Humboldt (Đức) cho thấy giác hơi có thể giúp giảm đau khớp và thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể.
Theo Giáo sư Châu Quốc Bình, Trưởng khoa Châm cứu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc, giác hơi giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm đau cơ do căng thẳng hoặc lao động quá sức. Ngoài ra, giác hơi còn giúp thông kinh lạc, cân bằng nội môi và hỗ trợ giảm các triệu chứng nóng trong như viêm họng, nhiệt miệng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế điều trị y tế.
Vết bầm sau giác hơi có phải là "độc tố" được thải ra?
Nhiều người lầm tưởng rằng các vết bầm tím sau giác hơi là dấu hiệu cơ thể đã đào thải độc tố. Thực tế, đây chỉ là hiện tượng mao mạch dưới da bị vỡ do lực hút từ giác hơi, không liên quan đến việc loại bỏ độc tố.
Việc đào thải độc tố trong cơ thể chủ yếu do gan và thận đảm nhiệm, không phải do giác hơi. Màu sắc vết bầm đậm hay nhạt sau khi giác hơi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian giác, độ nhạy cảm của da, kỹ thuật thực hiện, hoặc tình trạng cơ thể có bị nhiễm lạnh hay không.
Ngoài ra, một số người sau khi giác hơi xuất hiện mụn nước, nhưng điều này không phải do "thải ẩm" mà thực chất là do da bị bỏng cấp độ hai. Vì vậy, khi giác hơi, không nên lạm dụng nhiệt độ cao, nếu cảm thấy da quá nóng hoặc đau rát, cần dừng lại ngay và có thể bôi thuốc trị bỏng để giảm tổn thương.
Những lưu ý quan trọng khi giác hơi
Mặc dù giác hơi có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Những người mắc bệnh tim, rối loạn đông máu, bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm hoặc có thể trạng quá yếu không nên giác hơi.
Ngoài ra, sau khi giác hơi không nên tắm ngay. Lý do là sau khi giác hơi, lỗ chân lông giãn nở, nếu tắm ngay sẽ khiến khí lạnh xâm nhập vào cơ thể, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Giác hơi không phải là phương pháp điều trị triệt để bệnh tật, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau nhức và lưu thông khí huyết. Khi bị bệnh, đặc biệt là cảm cúm, quan trọng nhất vẫn là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể và thăm khám bác sĩ nếu cần thiết. Trong trường hợp của ông Dương, thay vì chỉ giác hơi, ông nên tìm đến các phương pháp điều trị khoa học hơn để đảm bảo sức khỏe.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)