Thiếu máu mạn tính chi dưới là tình trạng lòng động mạch đến nuôi hai chân bị hẹp dần theo thời gian, cho đến khi tắc hoàn toàn. Luồng máu đến nuôi các mô ở chi dưới bị nghẽn và giảm. Nguyên nhân là do phần lớn mạch máu bị xơ vữa. Triệu chứng ở chân bị thiếu máu nuôi tùy thuộc vào mức độ mạch máu bị tổn thương: đau mỏi, co cứng bắp chân, bắp đùi khi đi bộ. Những cơn đau này có thể lặp đi lặp lại sau những khoảng cách vận động nhất định, và khoảng cách diễn ra cơn đau có xu hướng thu ngắn lại. Một biểu hiện khác là da tím tái và lạnh, hoặc có những vết loét lâu lành ở ngón chân hay bàn chân, kèm theo cảm giác đau nhức liên tục, không giảm đau dù đã dùng thuốc giảm đau.
Hút thuốc lá có rất nhiều tác hại, trong đó có thể dẫn đến hoại tử chân
và phải bị đoạn chi
Theo BS Quyền, phần lớn bệnh nhân đến khám tại khoa vì tê đau chi dưới, tỷ lệ nam/nữ là 3/1, 27% bị tổn thương ở cả hai chân. Số bệnh nhân có triệu chứng đau cách hồi chưa nặng chiếm số lượng rất ít. Đây là giai đoạn bệnh đáp ứng với điều trị nội khoa, bảo tồn chi rất tốt. Điều đáng nói, có tới 98% bệnh nhân đến khám trong trường hợp đau nặng gây cản trở sinh hoạt, cũng như trong giai đoạn đau lúc nghỉ ngơi hoặc đã có biến chứng hoại tử, loét ngón chân, bàn chân cần được phẫu thuật tái lập mạch máu nhằm cứu các chi.
Trong đó, 44% bệnh nhân bị hoại tử nhiễm trùng ở đầu các ngón chân (ngọn chi). Đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu máu mạn tính chi dưới là: các bệnh mạn tính (rối loạn lipid máu, suy thận, tiểu đường) chiếm 73%, 42% cao huyết áp. Các tổn thương ở chi dưới rất đa dạng: vùng chậu, đùi, khoeo, cẳng chân, cổ-bàn chân. Xơ vữa, huyết khối, viêm thành mạch là những nguyên nhân trực tiếp gây 71% tổn thương làm tắc lòng mạch hoàn toàn.
Các bệnh nhân đến khám ở giai đoạn sớm có thể được can thiệp phẫu thuật mạch máu đã được làm cầu nối (68%), 16% giải quyết các huyết khối, 13% tạo hình thành mạch. Sau mổ, 85% cải thiện bệnh rất tốt. Những bệnh nhân đến trễ thường có chỉ định đoạn chi. 14,7% trường hợp bị đoạn chi lớn, 5,6% bị cắt bỏ chi nhỏ, 25% cắt thần kinh giao cảm, và 6,8% tử vong do bệnh nội khoa.
Các chuyên gia cảnh báo, phần lớn bệnh nhân đến khám là nam giới ở độ tuổi trung niên, hút thuốc lá nhiều. Chỉ định phẫu thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì các bệnh nhân này thường mắc một hoặc nhiều bệnh nội khoa mạn tính: cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu cơ tim, suy tim, tăng lipid máu.
Vì vậy, khi phát hiện ra những triệu chứng như đau ở hai đùi, bắp chân; lạnh hai bàn chân; màu sắc da ở bàn chân hay ngón chân bị thay đổi, người bệnh cần phải đi khám ngay để hạn chế các diễn tiến nặng. Phòng ngừa bệnh tốt nhất là luôn kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết; đảm bảo chế độ dinh dưỡng ít mặn, ít đạm và chất béo động vật; tập thể dục đều đặn; bỏ thuốc lá.
Theo Phunuonline.com.vn