Cả gia đình bị viêm gan do ăn gan lợn
Ban đầu, ông Lu (Quảng Châu, Trung Quốc) gặp phải các triệu chứng tương tự như bệnh cúm gồm sốt, ớn lạnh và mệt mỏi. Tưởng bình thường nhưng một tuần sau, nước tiểu của ông chuyển sang màu trà sẫm kèm theo chán ăn, yếu ớt và buồn nôn tăng lên. Quá lo lắng, ông đã đến khám tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu. Kết quả kiểm tra cho thấy, mức transaminase tăng vọt, ông Lu bị viêm gan E cấp tính.
Người đàn ông đi khám phát hiện bị viêm gan E cấp tính (Ảnh minh họa).
Điều gây sốc hơn nữa là kết quả sàng lọc các thành viên trong gia đình ông Lu gồm vợ, con gái, con rể và cháu gái của ông cũng cho kết quả dương tính với viêm gan E. Trong đó, vợ ông Lu thậm chí còn không có các triệu chứng như ớn lạnh, sốt giống với các thành viên khác.
Sau khi thăm khám và điều tra kỹ lưỡng tiền sử và thói quen sinh hoạt của gia đình ông Lu, bác sĩ đã phát hiện thủ phạm chính là món gan lợn sống mà gia đình đã ăn cách đó hơn một tháng. Sau khi điều trị, tình trạng của ông Lu đã dần cải thiện, con gái, con rể và cháu gái của ông vốn bị bệnh ở mức độ nhẹ hơn cũng đã trở lại bình thường.
Bệnh viêm gan E nguy hiểm như thế nào?
Tại bệnh viện, bác sĩ đã giải thích rằng, lợn là vật chủ tự nhiên chính của virus viêm gan E. Trên thế giới cũng đã có rất nhiều báo cáo về việc phát hiện virus viêm gan E từ gan lợn sống hoặc chưa nấu chín. Hơn nữa, ăn gan lợn sống còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng như sán lá gan hay ngộ độc thực phẩm do không đảm bảo vệ sinh.
Với bệnh viêm gan E, tới nay thì việc phòng ngừa viêm gan E cho vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bệnh nhiễm trùng này có thể không có triệu chứng. Người nhiễm virus viêm gan E trông giống như người bình thường nhưng thực chất lại có khả năng lây lan virus cho người xung quanh mà không hề hay biết. Do vậy mà đây cũng là nguyên nhân khiến viêm gan E dễ dàng lây nhiễm theo nhóm gia đình.
Ngoài ra, thời gian ủ bệnh của bệnh viêm gan E cũng có thể kéo dài từ 2 - 9 tuần nên khi các triệu chứng xuất hiện, có thể gây ra một số khó khăn để xác định chính xác nguồn gốc nếu như người bệnh không nhớ rõ ràng về lịch sử ăn uống của mình.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus viêm gan E không cần điều trị và sẽ tự khỏi trong vòng 2 đến 6 tuần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp hiếm gặp, bệnh viêm gan E có thể tiến triển nặng thành suy gan cấp tính và gây tử vong. Đặc biệt, nếu người bệnh là thai phụ đang ở tuần 13 cho tới tuần thứ 40 của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba) thì có đến 20 - 25% nguy cơ sảy thai hoặc tử vong.
Bệnh viêm gan E cũng có thể tiến triển thành bệnh gan mãn tính với người có chức năng miễn dịch suy yếu, tiền sử bệnh gan, từ đó thúc đẩy xơ hóa gan và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)