Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo: Hút thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của những người xung quanh, đặc biệt là các thành viên trong gia đình. Nghiên cứu mới đây cho biết, người cha có thói quen hút thuốc, kể cả khi đã bỏ thuốc nhiều năm thì con của họ, ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ có nguy cơ cao bị hen suyễn.
Cha hút thuốc, con có nguy cơ hen suyễn
Gần đây, Hiệp hội Hô hấp châu Âu (ERS) đã trình bày một nghiên cứu mới về thuốc lá tại Hội nghị Quốc tế ở Munich, cho biết: Những người cha nghiện thuốc lá, ngay cả khi người cha đó đã bỏ thuốc lá được nhiều năm cũng có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé - con của họ, từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Cụ thể, nghiên cứu này đã chỉ rõ về mối liên hệ giữa thói quen hút thuốc của người cha trước khi thụ thai với bệnh hen suyễn của trẻ.
Để tiến hành nghiên cứu này, các chuyên gia đã theo dõi và phân tích thói quen hút thuốc của 13.000 người đàn ông và phụ nữ theo hình thức trắc nghiệm. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sự liên kết giữa số năm của các ông bố, bà mẹ hút thuốc trước khi thụ thai (cho dù những ông bố bà mẹ này đã bỏ thói quen hút thuốc trước khi thụ thai) và tỷ lệ mắc hen suyễn của trẻ. Kết quả cho thấy, với những người cha có thói quen hút thuốc lá trước khi thụ thai, nguy cơ mắc bệnh hen không dị ứng - hen không kèm theo sốt - xảy ra rất nhiều ở trẻ. Hơn nữa, nguy cơ mắc hen suyễn của trẻ sẽ có tỷ lệ tăng cao hơn nếu người cha đó có thói quen hút thuốc trước 15 tuổi và hút thuốc trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này lại không thấy đưa ra cảnh báo về mối quan hệ giữa thói quen hút thuốc của người mẹ trước đây và bệnh hen suyễn của con họ.
Hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em (Ảnh minh họa)
Theo TS. Cecile Svanes - Đại học Bergen (Nauy): Với phát hiện mới trên, giờ đây chúng ta lại có thêm bằng chứng cho thấy sức khỏe của trẻ kém có thể do ảnh hưởng từ tinh trùng của người bố. Bởi vậy, những nhà hoạch định chính sách nên cảnh báo những người đàn ông về lối sống của họ có thể ảnh hưởng tới tương lai của con họ. Đồng thời, TS. Svanes cũng cho biết: Nghiên cứu này rất quan trọng và chúng ta có thể thấy rằng, việc tiếp xúc với bất kỳ loại hình ô nhiễm không khí do khói thuốc, do tiếp xúc nghề nghiệp, phơi nhiễm hóa học... cũng có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Tác hại khó lường do hút thuốc lá thụ động ở trẻ
Có rất nhiều nghiên cứu đã đề cập đến thói quen hút thuốc của cha mẹ không những ảnh hưởng tới trẻ khi còn trong bào thai, mà ngay cả khi người lớn hút thuốc trẻ hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) thì nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và tim mạch như: nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi,... là rất cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan được thực hiện tại Nam Phi thì: Số trẻ em hút thuốc lá thụ động sống cùng nhà với một bệnh nhân lao có nguy cơ nhiễm lao cao gấp gần 5 lần so với trẻ bình thường. Và họ ước tính, mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Và những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những trẻ có bố không hút thuốc.
GS. David Liewellyn thuộc Trường ĐH Cambridge, Anh cũng cho biết: Hút thuốc lá thụ động sẽ làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh, làm ảnh hưởng đến nhận thức, trí nhớ của trẻ và khiến nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao hơn gấp 3 lần những người không sống trong gia đình có người hút thuốc lá. Để củng cố thêm cho lập luận này, các nhà khoa học tại Trung tâm Sức khỏe và Môi trường trẻ em ở Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu với 4.400 trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 16. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác. Và họ đưa ra cảnh báo: Một lượng khói thuốc nhỏ trong nhà thôi cũng đủ ảnh hưởng tới khả năng đọc và làm toán của trẻ.
Cùng với các nghiên cứu trên còn nhiều nghiên cứu khác đề cập về tác hại của khói thuốc lá đối với trẻ hút thuốc thụ động như hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ thống cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp ôxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động và làm tăng nhịp tim từ từ liên tục. Và hút thuốc thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây các loại bệnh đường ruột mạn tính như viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc...
Theo Khám Phá