Hầu như mọi người khi bị ngộ độc thực phẩm đều không biết và thường thì lúc được đưa đến bệnh viện cũng đã xảy ra những biến chứng khá nghiêm trọng. Do đó việc phát hiện sớm để xử lý kịp thời là vô cùng quan trọng.
Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở. Nó xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.
Gây nôn
Khi bị ngộ độc, cần phải gây nôn ngay lập tức. Việc gây nôn phải làm càng sớm càng tốt để chất độc không bị ngấm sâu vào trong cơ thể. Nếu bỏ qua thì có thể dẫn tới mất mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề, điều trị hồi phục không đơn giản.
Giữ lại một phần thức ăn
Điều này tưởng như vô tác dụng nhưng lại vô cùng quan trọng để giúp bác sĩ xét nghiệm, xác định chất độc hại và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Bù nước
Khi bị ngộ độc người bệnh thường bị mất nước nhanh do tiêu chảy hay nôn ói. Vì vậy cần bổ sung một lượng nước cho cơ thể bằng cách uống nước cam, nước dừa hoặc cháo loãng… lượng nước này sẽ giúp pha loãng những chất độc trong cơ thể, giúp hạn chế những rủi ro cho sức khỏe.
Đến bệnh viện
Tất nhiên những phương pháp trên chỉ là giải pháp tình thế, hãy tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
Hạ Tú (Theo Nld.com.vn)