Loét da
Tình trạng này xảy ra là do bệnh nhân trước đó gặp biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên nên mất cảm giác đau, nóng-lạnh,… khi có ngoại lực tác động. Điều này khiến cho cơ thể giảm khả năng tự bảo vệ và tự chữa lành vết thương. Cùng với đó tình trạng xơ vữa động mạch làm giảm lượng máu tới các chi, điều này khiến cho vùng chi dưới trở nên nghèo nàn oxy và dưỡng chất. Đây là lý do khiến cho biến chứng loét bàn chân dễ dàng xảy ra, khó lành và lan rộng.
Nấm da chân
Khi đường huyết tăng cao không kiểm soát, cơ thể bị suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm nấm, đặc biệt là ở vị trí tiếp xúc với nơi ẩm ướt, nền đất bẩn thường xuyên như bàn chân. Nấm da chân, kẽ chân làm cho da chân bị đỏ, ngứa và nứt da. Vi khuẩn có thể theo những kẽ nứt này xâm nhập xuống vùng mô bên dưới và gây nên bội nhiễm.
Chân bị đau khi đi bộ
Khi lượng đường trong máu của chúng ta quá cao và bị tiểu đường thì lượng máu lưu thông qua chân sẽ không đảm bảo, đặc biệt khi chúng ta đi bộ trên một đoạn đường ngắn. Hiện tượng đau bàn chân khi đi bộ là dấu hiệu của người mắc bệnh tiểu đường đang ngày trở nên trầm trọng và nhắc nhở chúng ta nên đi khám, điều trị và kiểm soát lượng đường trong máu, tránh tình trạng nặng thêm. Nếu không để ý đến dấu hiệu này, rất có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch máu, nguy hiểm đến sức khỏe.
Hoại tử chân
Đây là biến chứng tiểu đường nghiêm trọng nhất, xảy ra do các vết loét chân kéo dài, không được điều trị đúng cách. Khi tổn thương ở bàn chân gây ra những vết loét quá lớn, không được điều trị, trong điều kiện thiếu máu nuôi dưỡng sẽ khiến cho bàn chân bị hoại tử.
Những lưu ý đối với người bị tiểu đường:
Người bệnh có thể thay đổi, điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm giảm lượng đường trong máu nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Duy trì cân nặng ở mức hợp lí, tuy nhiên, cũng không để sụt cân quá mức. Với người bệnh béo phì, có thể giảm lượng calo xuống dưới 1.200 kcal/ ngày (giảm 20 –25% nhu cầu năng lượng).
Rất ít người biết tầm quan trọng của việc thư giãn và ngủ đúng giờ giấc. Sự căng thẳng hoặc mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol và epinephrine gây tăng đường huyết. Do đó, bạn hãy thư giãn bằng một số cách như: đọc sách, tập yoga, ngồi thiền, dưỡng sinh, nghe nhạc nhẹ, trò chuyện với người thân. Bạn nên dành ra từ 15 – 30 phút mỗi ngày để thư giãn và nên ngủ đủ 6 – 8 tiếng đúng giấc mỗi ngày để hỗ trợ tích cực cho quá trình chữa tiểu đường.
Việc vận động mỗi ngày là phương pháp điều trị tiểu đường không dùng thuốc hiệu quả và đơn giản nhất. Bạn chỉ cần duy trì tất cả các môn thể dục yêu thích như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, dưỡng sinh… mỗi buổi tối thiểu 30 – 45 phút và 5 buổi/tuần. Tuy nhiên, bạn nên có chế độ tập luyện vừa sức tùy thuộc vào sức khỏe và khả năng chịu đựng của mỗi người, điều này bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian tập luyện và cường độ.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)