Hoa sữa là cây cảnh đường phố được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, nhất là Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Quảng Bình... Hoa sữa cũng có nhiều ở Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc và nhiều bang ở Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á khác.
Ở Việt Nam, mùa hoa sữa bắt đầu từ cuối tháng 9 và kéo dài đến khoảng đầu tháng 12. Thường thì càng về cuối vụ, hương hoa sữa càng đậm hơn. Và đặc biệt về đêm, nhiệt tích tụ của một ngày càng kích thích hoa sữa nở rộ. Mùi hoa sữa thoang thoảng sẽ thơm nhưng nếu nhiều cây ở một địa điểm sẽ khiến hoa sữa có mùi càng đậm gây khó chịu.
Những tưởng cây hoa sữa chỉ là cây cảnh đường phố nhưng hoa lá, nhựa, vỏ cây hoa sữa đều được sử dụng làm thuốc. Đặc biệt, vỏ cây được thu hái vào mùa xuân hạ lúc cây chưa ra hoa thì thành phần sẽ tập trung ở vỏ. Thành phần hóa học của lá cây sữa có Iridoids, coumarin và flavonoid, vỏ rễ và thân thì chứa alcaloid ditamine, echitenine, terpenoid, hoa thì có tinh dầu chứa Caren - 3, Geraniol, Echitin, Terpinolene, Menthanol, Lupeol acetat… Toàn thân cây hoa sữa có alkaloid, đặc biệt là Echitamine.
Theo y học cổ truyền cây hoa sữa có vị đắng, tính mát, quy vào phế, can giúp tẩy giun, trị bệnh sán, trị sốt, tiêu chảy, bệnh phong, nấm da, côn trùng đốt.
Ngoài ra sử dụng vỏ cây hoa sữa mang lại nhiều công dụng:
Hỗ trợ bệnh nhân ung thư trị tế bào độc
Cây sữa được cho là có tác dụng chống tăng sinh tế bào ung thư nhờ hoạt chất alkaloid echitamine chloride. Nghiên cứu trên chuột cho thấy hoạt chất này trong cây sữa giúp giảm bệnh ở chuột.
Hỗ trợ miễn dịch
Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất vỏ cây hoa sữa giúp tăng cường hệ miễn dịch không đặc hiệu, tăng hoạt động thực bào và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Lưu ý khi dùng hoa sữa vì chúng có thể gây dị ứng
Tính kháng khuẩn
Các chiết xuất từ hoa, lá vỏ cây hoa sữa đều có tính kháng khuẩn, chống lại nấm mốc vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
Hỗ trợ giảm đau, chống viêm trong cơ thể
Chiết xuất từ lá cây hoa sữa có tác dụng giảm đau và chống viêm mạnh bới các alkaloid picrinine, vallesamine và scholaricine.
Giảm căng thẳng
Chiết xuất methanolic của vỏ cây hoa sữa được báo cáo là sở hữu khả năng chống căng thẳng và cải thiện khả năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, chiết xuất ethanol của lá cây hoa sữa được báo cáo là một biện pháp chống lo âu mạnh mẽ.
Điều hòa kinh nguyệt
Chiết xuất của cây hoa sữa có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, tăng tiết sữa ở phụ nữ. Ở Ấn Độ hoa và vỏ cây sữa được dùng giúp phụ nữ nuôi con bú ăn ngon miệng và tiết thêm sữa.
Làm nước súc miệng
Nhờ vào tính sát khuẩn nên vỏ cây sữa được chiết xuất sử dụng cho vào kem đánh răng hoặc sắc nước để súc miệng trị bệnh hôi miệng viêm nướu.
Tuy nhiên cho đến nay các nghiên cứu về tác dụng của cây hoa sữa chủ yếu thực hiện trên động vật chưa thực hiện trên người. Một số đối tượng như người dị ứng, viêm mũi dị ứng cần cẩn thận khi tiếp xúc với hoa sữa vì chúng có thể gây nặng tình trạng dị ứng cho bệnh nhân.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)