Cuộc sống vô lo, vô nghĩ, không áp lực, căng thẳng có lẽ là ước mơ của rất nhiều người. Có điều ước mơ vẫn luôn chỉ là mơ ước, vì mọi khía cạnh trong cuộc sống đều có thể đem lại áp lực, dù là đi học, đi làm hay chỉ ở nhà và chẳng làm gì.
Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng không phải cứ vô lo vô nghĩ là sẽ ổn. Việc phải đối mặt với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, thậm chí đem lại nhiều điểm tích cực hơn bạn nghĩ.
Loại căng thẳng tốt và xấu
Trong cuộc sống thường ngày có vô vàn chuyện có thể xảy ra và nó tạo cho chúng ta những căng thẳng nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa rằng cứ căng thẳng là xấu. Tùy vào hoàn cảnh, mức độ sẽ có những hiệu ích tích cực và tiêu cực. Và về cơ bản chúng ta có những loại stress, căng thẳng sau đây:
Căng thẳng cấp tính
Là một loại stress xuất hiện ngay sau khi có sự thay đổi về thói quen. Nó là một loại stress mạnh mẽ, nhưng nó diễn ra rất nhanh. Stress cấp tính tạo ra những cảm giác không thoải mái và bất định. Triệu chứng của stress loại stress này thường là: đau đầu, đau lưng, đau bụng, tim đập nhanh, đau cơ hoặc đau mình.
Dạng stress này là phổ biến nhất, thường xảy ra khi chúng ta phải đối mặt với một thử thách hoặc sự kiện nào đó trong cuộc sống. Đó có thể là buổi phỏng vấn xin việc, ngày đi làm đầu tiên, hay thậm chí là khi phải dạy con trai mình cách đi xe đạp thôi cũng dễ gây căng thẳng..
Với dạng stress cấp tính, bạn có thể dễ mắc sai lầm, dễ nổi nóng, nhưng đổi lại nó giúp kích thích não bộ và cải thiện tình hình sức khỏe của bản thân. Nghiên cứu từ ĐH California, Berkeley cho biết chính dạng stress này sẽ giúp khả năng tư duy của bạn tốt lên.
Và ngược lại, việc có quá ít áp lực sẽ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Căng thẳng theo giai đoạn và cấp độ
Khi căng thẳng cấp tính xảy ra thường xuyên, nó được gọi là căng thẳng cấp tính giai đoạn và cấp độ. Khi những điều nhỏ nhặt cũng ảnh hưởng đến đến bạn, cảm giác tiêu cực sẽ luôn vây quanh bạn. Dạng stress này sẽ gây ra đau đầu, mệt mỏi, khiến hệ miễn dịch suy yếu. Đó là lý do bạn cần cải thiện lối sống của mình, tăng cường tập thể dục và khiến mọi thứ trở nên không quá khó khăn với bạn.
Một số người trong chúng ta có xu hướng căng thẳng thường xuyên hơn. Ví dụ, những người nóng tính và lo lắng thường căng thẳng hơn.
Căng thẳng mãn tính và độc hại
Khi căng thẳng cấp tính xảy ra thường xuyên không được giải quyết và kéo dài thì nó sẽ dần trở thành căng thẳng mãn tính. Nguyên nhân thường thấy là do cuộc sống không hạnh phúc, công việc không thuận lợi hoặc gặp khó khăn về tài chính.
Và stress mãn tính là một dạng stress cực kỳ độc hại. Nó khiến thể chất và tinh thần của bạn dần kiệt quệ, có khả năng dẫn đến ung thư, bệnh tim, béo phì... thậm chí có thể gây rối loạn trí nhớ.
Stress là một phần tự nhiên trong cuộc sống, thỉnh thoảng, giống như trong trường hợp với eustress, stress có thể có ích và lành mạnh đối với cơ thể. Tuy nhiên, khi căng thẳng vượt quá khỏi sự kiểm soát và bắt đầu gây ra những vấn đề về cảm xúc và thể chất, stress cần được kiểm soát lại. Cách tốt nhất để ứng phó với căng thẳng là gạt bỏ đi những nguyên nhân gây ra căng thẳng. Nếu công việc gây ra cho bạn quá nhiều căng thẳng, hãy cân nhắc khả năng thay đổi việc.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)