Cây gừng dại hay còn gọi là ngải mặt trời, riềng dại, gừng giềng, gừng gió, ngải xanh; mai gan, người Tày gọi là khinh keng. Tên khoa học Zingber zerumbe (L) sm, họ gừng (Zingiberaceae).
Là loại cây cao khoảng từ 1 - 1,3m, thân rễ dạng củ phân nhiều nhánh. Khi còn non củ màu vàng, thơm, càng già củ càng to, chắc; trong ruột có màu vàng, thơm ngọt dễ chịu. Lá mọc xếp lớp, không cuống, thuôn dài, đầu nhọn, mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới hơi nhạt, bẹ nhẵn, trừ phía trên có lông… Hoa ra vào tháng 5 - 6, cụm hoa phủ đầy vảy, mép có mang lông, hoa hình trứng mọc thẳng từ thân rễ thường có màu lục, khi già màu hồng đỏ, đài và tràng màu trắng, cánh môi màu vàng nhạt. Quả nang hình bầu dục, hạt màu đen có áo hạt mềm màu trắng. Cây mọc hoang ở khắp nơi trong rừng, nơi đất ẩm ướt, mát ở bìa rừng hay dọc theo ven suối nơi đất núi rậm rạp.
Theo y học cổ truyền, gừng dại có vị đắng, cay, tính ấm, với công năng tán phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết,.. chủ trị các chứng trúng gió, chóng mặt, nôn nao, ngất xỉu, bồi dưỡng sau sinh, kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ tốt, khiến da dẻ trở nên hồng hào...
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Chữa cảm lạnh: Lấy thân củ gừng dại 30g, rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít rượu chắt lấy nước uống, ngày 3 lần, dùng liền 2 ngày.
Kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng: Lấy thân rễ gừng dại xắt mỏng với lượng từ 50g tươi cho vào 650ml rượu trắng, ngâm trong 15 - 20 ngày là dùng được. Gạn lấy nước rượu uống mỗi ngày 1 lần (20ml) uống trước bữa ăn. Những người mắc bệnh gan mạn tính không dùng.
Chữa chứng tê chân do lạnh: Dùng gừng dại giã nhỏ cho chút rượu rồi chưng nóng lấy bã xoa xát khắp người.
Chữa hôi nách:Gừng dại 20g, long não 4g. Gừng dại phơi khô, tán thành bột mịn cùng với long não. Trộn đều, xoa bột vào nách ngày hai lần sau khi đã rửa sạch sẽ.
Theo Sức khỏe & Đời sống