Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 9 “kiến thức sức khỏe” sai lầm mà rất nhiều người vẫn đang tin tưởng. Hiểu đúng để sống khỏe đó là cách bảo vệ chính mình và người thân trong thời đại thông tin nhiễu loạn.
1. Uống nước muối loãng hoặc nước mật ong vào buổi sáng giúp thải độc, nhuận tràng
Thực ra, uống nước muối loãng mỗi sáng dễ khiến lượng muối nạp trong ngày vượt mức cho phép, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và loãng xương.
Uống nước muối loãng mỗi sáng làm tăng nguy cơ cao huyết áp và loãng xương
Với mật ong, hơn 70% là đường (đa phần là fructose), dễ làm tăng đường huyết nếu uống lúc bụng đói. Hơn nữa, việc mật ong “nhuận tràng” chỉ có tác dụng với người không dung nạp fructose, chứ không phải là phương pháp tốt cho mọi người. Lời khuyên: hãy uống nước lọc vào buổi sáng.
2. Thuốc Đông y không có tác dụng phụ
Nhiều người lầm tưởng Đông y là "thuốc lành", không gây hại. Nhưng thực tế, đã là thuốc thì đều có nguy cơ tác dụng phụ nếu dùng sai cách hoặc lạm dụng. Ví dụ, có trường hợp dùng hà thủ ô để đen tóc nhưng cuối cùng lại bị suy gan nghiêm trọng.
Dù nhãn thuốc có ghi “tác dụng phụ chưa rõ”, không có nghĩa là không có, mà là chưa đủ dữ liệu chứng minh cụ thể.
3. Có loại thuốc có thể chữa khỏi nhanh chóng bệnh da liễu nghiêm trọng
Bệnh như vẩy nến, bạch biến là do rối loạn miễn dịch chứ không phải vi khuẩn hay nấm thông thường. Những “bài thuốc bí truyền” quảng cáo chữa khỏi nhanh thường chứa hóa chất độc hại, gây tổn thương hệ miễn dịch, thậm chí chứa kim loại nặng. Tác dụng tức thời nhưng hậu quả lâu dài.
4. Uống rượu mặt đỏ là tửu lượng tốt
Ngược lại! Mặt đỏ là do cơ thể thiếu enzyme ALDH2 để phân giải acetaldehyde - chất gây hại sinh ra sau khi uống rượu. Tích tụ acetaldehyde không chỉ gây đỏ mặt, tim đập nhanh mà còn tăng nguy cơ ung thư. Tạp chí Nature từng khẳng định: người uống rượu bị đỏ mặt có nguy cơ ung thư cao hơn.
5. “Rác” trong mạch máu nếu không làm sạch sẽ thành huyết khối
Không hề có khái niệm “rác trong mạch máu”! Chỉ có các chất thải chuyển hóa bình thường, và cơ thể sẽ tự đào thải qua gan, thận. Không cần “làm sạch” bằng thực phẩm chức năng đắt đỏ. Uống đủ nước, ăn uống lành mạnh là đủ.
6. Cảm lạnh uống thuốc sẽ khỏi nhanh
Phần lớn cảm lạnh là do virus. Thuốc cảm chỉ giúp giảm triệu chứng, không diệt virus. Hệ miễn dịch mới là "người hùng" tiêu diệt virus. Thông thường cơ thể sẽ tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, với người suy giảm miễn dịch, bệnh nền thì việc dùng thuốc đúng là cần thiết.
7. Sốt thì đắp chăn, ra mồ hôi là sẽ hạ sốt
Thực chất là hạ sốt rồi mới ra mồ hôi, không phải ngược lại. Việc “dùng chăn đắp kín” để ép mồ hôi rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ, dễ gây mất nước, co giật hoặc thậm chí tử vong.
Việc dùng chăn đắp kín để ép mồ hôi ở trẻ dễ gây mất nước, co giật hoặc thậm chí tử vong
8. Loét dạ dày là do ăn uống không đúng cách
Ăn cay, uống rượu chỉ là yếu tố phụ. Thủ phạm chính gây viêm loét dạ dày là vi khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này lây qua đường ăn uống, ăn chung, mớm cơm... Nên muốn chữa loét dạ dày, cần xét nghiệm và điều trị vi khuẩn này.
9. Ăn thanh đạm là không ăn thịt, ít dầu mỡ
Ăn thanh đạm KHÔNG đồng nghĩa với ăn chay tuyệt đối! Thịt cung cấp đạm và acid amin thiết yếu cho cơ thể. Nếu ăn chay quá mức có thể dẫn đến thiếu máu, giảm trí nhớ, thậm chí gây gan nhiễm mỡ, sỏi thận, loãng xương.
Chế độ ăn “thanh đạm” nên là đầy đủ dinh dưỡng, ít muối, ít đường, ít dầu mỡ, chứ không phải bỏ hết chất đạm.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)