Dù vậy, có 5 loại thực phẩm tuyệt đối không nên để qua đêm vì tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Không phải tất cả thực phẩm để qua đêm đều nguy hiểm, nhưng 5 loại này tuyệt đối không nên dùng lại vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
1. Trứng lòng đào
Trứng lòng đào với lòng đỏ vẫn còn sền sệt là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, vì chưa được nấu chín hoàn toàn, trứng có thể chứa vi khuẩn salmonella - nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và đau bụng. Nếu để qua đêm, điều kiện này còn thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi mạnh hơn. Dù được bảo quản trong tủ lạnh, trứng lòng đào để lâu vẫn tiềm ẩn rủi ro, tốt nhất nên ăn ngay sau khi chế biến.
2. Món gỏi, rau trộn nguội
Các món ăn không qua nhiệt như gỏi, rau trộn thường được ưa chuộng vào mùa hè. Tuy nhiên, quá trình chế biến không có bước diệt khuẩn khiến vi khuẩn dễ xâm nhập. Nếu để qua đêm, các loại vi sinh vật này sinh sôi nhanh chóng, biến món ăn thành ổ vi khuẩn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao. Với món gỏi, tốt nhất nên làm đến đâu ăn hết đến đó, không nên để lại.
3. Hải sản đã chế biến
Các loại hải sản như tôm, cua, nghêu, sò... vốn giàu đạm nên rất dễ bị phân hủy nếu không được bảo quản kỹ. Khi để lâu, chúng sinh ra các sản phẩm phân giải protein và độc tố, gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thậm chí ảnh hưởng gan thận nếu ăn nhiều. Nếu còn thừa, nên cấp đông hải sản ngay và chỉ dùng lại sau khi nấu chín kỹ.
4. Nấm tuyết và mộc nhĩ đã ngâm nở
Nhiều gia đình có thói quen ngâm nấm tuyết (ngân nhĩ), mộc nhĩ trước khi chế biến. Tuy nhiên, nếu ngâm quá lâu, đặc biệt để qua đêm, hai loại nấm này có thể sinh ra độc tố nguy hiểm mang tên axit bongkrek. Đây là chất cực độc, chịu nhiệt cao, có thể gây tử vong với tỷ lệ lên đến 40%-100% nếu bị nhiễm độc. Do đó, chỉ nên ngâm vừa đủ dùng và không để nấm đã ngâm quá 4 tiếng ở nhiệt độ thường.
5. Nước ép trái cây tươi
Nước ép từ các loại trái cây như dưa hấu, xoài, vải... tuy ngon và bổ dưỡng nhưng lại là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi vì chứa nhiều đường và vitamin. Đặc biệt, các loại nước ép làm tại nhà không qua tiệt trùng nên nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Nếu không uống ngay, nước ép dễ biến chất, uống vào có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Tốt nhất, hãy làm vừa đủ và dùng hết trong vòng 1-2 giờ sau khi ép.
Thay vì tiếc của, hãy ưu tiên an toàn cho bản thân và gia đình bằng cách ăn thực phẩm tươi mới, hợp vệ sinh.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)