1. Quá tiết kiệm, dùng loại chỉ nha khoa to, cứng và quá mạnh tay
Việc sử dụng chỉ nha khoa tưởng chừng đơn giản, nhưng phần lớn người sử dụng lại mắc một số sai lầm sau:
- Dùng tiết kiệm: Sai lầm lớn nhất khi dùng chỉ nha khoa mà chỉ lấy ra một đoạn khoảng 10cm sau đó dùng đoạn chỉ này “làm sạch” từ từ từng răng một. Cách này thoạt đầu có vẻ “ổn” nhưng về lâu dài, “đương sự” sẽ bị bệnh răng miệng vì sợi chỉ dùng đi dùng lại vừa không sạch răng, vừa làm lây lan bệnh từ răng này sang răng khác.
- Dùng mạnh tay: Do không có thói quen dùng chỉ nên cường độ nhấn chỉ xuống nướu thường quá đà, dẫn đến viêm nướu, chảy máu…
- Chỉ cứng và to so với răng: Trên thị trường có nhiều loại chỉ nha khoa. Có loại mềm, mịn, nhưng cũng có loại sợi to, xơ cứng, khi xỉa sẽ nghe thấy tiếng động của sợi chỉ cọ xát trên răng. Dùng loại chỉ này tác hại không khác gì dùng tăm, vì cũng gây tổn thương men răng, nướu răng.
2. Không vệ sinh bàn chải đánh răng đúng cách
Vi khuẩn hay các vi sinh vật chứa mầm bệnh dễ dàng lây lan từ chiếc bàn chải đánh răng đến miệng. Một chiếc bàn chải có thể biến thành chỗ ẩn chứa của hàng loạt loại vi khuẩn gây hại khác nhau. Do vậy, để đảm bảo răng miệng sạch sẽ bạn cần đảm bảo vệ sinh cho chiếc bàn chải đánh răng của mình. Dưới đây là những sai lầm khi dùng bàn chải đánh răng.
- Để bàn chải ở những vị trí nằm ngang sau khi đánh răng xong - đó là sai lầm. Nên dựng đứng chúng để nước có thể róc khô, tránh ẩm ướt ở lông bàn chải. Đặt bàn chải ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với bàn chải đánh răng của người khác.
- Trước khi lấy kem đánh răng mà không rửa sạch bàn chải qua với nước ít nhất trong 1-2 phút.
- Không vệ sinh bàn chải là thói quen thường gặp. Thỉnh thoảng bạn nên ngâm vài phút bàn chải đánh răng trong dấm rồi rửa sạch với nước ấm.
3. Dùng bàn chải sai kích cỡ, lông cứng
Thực tế, việc chải răng với lông bàn chải cứng có thể làm hư men răng, bề mặt răng và nướu. Tệ hơn có thể dẫn đến mòn rằng, khiến răng trở nên nhạy cảm và gây tụt nướu.
Ngoài ra, khi nói đến kích thước bàn chải, kích cỡ lớn hơn không có nghĩa là tốt hơn. Chúng ta cần một cái có đầu đủ nhỏ để có thể len vào làm sạch bề mặt răng hàm. Khi cảm thấy bàn chải đang dùng có vấn đề, bạn nên chọn cái khác có kích thước nhỏ hơn.
Đối với những người niềng răng, nên dùng loại bàn chải đánh răng đặc biệt có lông ở giữa ngắn hơn lông ở hai mép. Thiết kế này giúp làm sạch cả răng và niềng răng.
Những người có răng khấp khểnh cũng nên dùng loại bàn chải đặc biệt có phần lông cuối bàn chải dài hơn, hình mũi tên giúp làm sạch các vùng khó tiếp cận.
4. Dùng bàn chải quá lâu
Các nha sĩ khuyên bạn nên thay bàn chải 3 tháng một lần vì lông bàn chải có thể bị mòn. Nếu bạn thay bàn chải nhiều hơn 3 tháng một lần, bạn đang chải răng nhiều hơn mức cần thiết đấy.
Còn nếu bạn ít thay bàn chải, hãy cẩn thận vì vi khuẩn sẽ phát triển trên lông bàn chải.
5. Dùng bàn chải chà xát răng quá mạnh
Mỗi người chỉ nên đánh răng vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Để chải răng đúng cách, vị trí bàn chải tạo với nướu một góc 45 độ và di chuyển theo chuyển động tròn.
Bạn chú ý nhé: Đừng chà răng theo chiều ngang dọc như cọ rửa sàn nhà. Việc này có thể gây tụt nướu, lộ chân răng và làm răng trở nên nhạy cảm vì nướu chính là bộ phận bảo vệ chân răng.
6. Không chọn đúng loại kem đánh răng
Cần xem kỹ hạn dùng, thành phần hoá chất, đặc biệt hàm lượng fluor phải phù hợp với độ tuổi người dùng. Đối với trẻ dưới ba tuổi không nên chọn kem đánh răng có fluor, trừ trường hợp trẻ có nguy cơ sâu răng cao.
Trẻ từ 3-6 tuổi nên chọn kem có hàm lượng fluor từ 200-500ppm. Trẻ từ 6-11 tuổi là 1.000ppm. Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể sử dụng kem đánh răng như người lớn, từ 1.000-1.500ppm.
Sức khỏe và Đời sống