Mới đây, bác sĩ Lý Mẫn, Trưởng nhóm Can thiệp thần kinh, Giám đốc khoa Thần kinh Nội (Trung tâm não bộ) tại Bệnh viện Y học cổ truyền Giang Tô đã đưa ra những lời khuyên chuyên môn giúp mọi người phòng tránh bệnh lý mạch máu não trong thời tiết lạnh.
Thời tiết lạnh dễ khiến mạch máu não bị "tấn công"
Cơ thể con người hoạt động như một cỗ máy tinh vi. Nếu trái tim là "động cơ", thì bộ não chính là "bộ chỉ huy", kiểm soát mọi hoạt động và cảm giác của cơ thể. Theo bác sĩ Lý Mẫn, não bộ rất dễ bị tổn thương, và khi mạch máu não gặp vấn đề, nó có thể gây ra liệt cơ thể, mất cảm giác, thậm chí mất khả năng nói.
Trong thời gian gần đây, khi nhiệt độ giảm mạnh, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về mạch máu não tại bệnh viện cũng gia tăng. "Sự thay đổi của thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng kích thích bệnh mạch máu não, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa giữa thu - đông và đông - xuân".
Nhiệt độ giảm khiến hệ thần kinh giao cảm bị kích thích, mạch máu co lại, tốc độ lưu thông máu giảm dẫn đến thiếu máu não, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, thời tiết hanh khô khiến cơ thể mất nước, làm tăng độ nhớt của máu, dẫn đến lưu thông kém và dễ gây tắc nghẽn mạch máu.
Bác sĩ Lý Mẫn cũng chỉ ra rằng, những người có tiền sử huyết áp cao, xơ cứng động mạch não có nguy cơ bị xuất huyết não cao hơn khi huyết áp đột ngột tăng mạnh do sự co thắt mạch máu.
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh mạch máu não?
Theo bác sĩ Lý Mẫn, bệnh mạch máu não thường được chia thành hai nhóm chính:
Nhóm thiếu máu não: Gồm nhồi máu não, cơn thiếu máu não thoáng qua.
Nhóm xuất huyết não: Gồm xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mạch máu não:
Yếu tố không thể can thiệp: Tuổi tác, di truyền.
Yếu tố có thể kiểm soát: Huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…
Theo đó, hầu hết bệnh nhân cao huyết áp nên duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg, còn người cao tuổi (trên 80 tuổi) có thể kiểm soát ở mức 140/90 mmHg.
Trước đây, đột quỵ thường được coi là bệnh của người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay căn bệnh này đang dần trẻ hóa. Theo số liệu dịch tễ học, nguy cơ đột quỵ suốt đời của người trên 25 tuổi trên toàn cầu là 24,9%. Nguyên nhân chính đến từ lối sống không lành mạnh của giới trẻ như ăn uống không điều độ, thức khuya, lạm dụng đồ uống có ga và caffeine.
Phát hiện sớm đột quỵ chỉ bằng phương pháp đơn giản
Bệnh đột quỵ khởi phát nhanh và diễn biến phức tạp. Nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, thường chủ quan khi xuất hiện triệu chứng, lựa chọn nghỉ ngơi tại nhà thay vì đi cấp cứu kịp thời, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Lý Mẫn, cách nhận biết sớm đột quỵ rất đơn giản, chỉ cần nhớ nguyên tắc "Đột quỵ 120":
1 – Nhìn mặt: Xem có bị méo miệng, lệch miệng không?
2 – Giơ tay: Kiểm tra xem tay có yếu hoặc tê liệt không?
0 – Nghe lời nói: Kiểm tra xem giọng nói có bị méo, không rõ ràng không?
Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào, hãy gọi ngay cấp cứu.
4 thói quen cần tránh để bảo vệ mạch máu não
Tắm nước quá nóng
Nhiệt độ nước quá cao khiến máu dồn nhiều vào da, giảm lưu lượng máu đến não, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Khuyến nghị: Nhiệt độ nước tắm 38 - 40°C, không tắm quá lâu.
Dậy quá nhanh sau khi ngủ
Ngay sau khi thức dậy, cơ thể cần thời gian để tuần hoàn máu ổn định.
Khuyến nghị: Nằm 5 phút, ngồi tựa giường 5 phút, ngồi trên giường 5 phút rồi mới đứng dậy.
Không bổ sung đủ nước
Không khí khô làm tăng độ nhớt của máu, dễ gây tắc nghẽn mạch máu não.
Khuyến nghị: Uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày, ưu tiên nước ấm, tránh đồ uống có đường.
Tập thể dục quá sớm
Tập thể dục vào sáng sớm khi trời còn lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Khuyến nghị: Tập sau khi mặt trời lên, chọn bài tập nhẹ như đi bộ, yoga, dưỡng sinh.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)