Thời tiết nồm ẩm hiện nay là một trong những vấn đề khiến chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu. Chưa hết, nồm ẩm là nguyên nhân khiến bùng phát các dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, nhất là vào thời điểm ngay sau dịp Tết. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Thời điểm này cũng là điều kiện thuận lợi dễ phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác. Trẻ em và người già, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có sức đề kháng kém là đối tượng hay mắc bệnh. Cùng điểm mặt một số dịch bệnh dễ bùng phát khi thời tiết nồm ẩm ngay trong bài viết này:
Thời tiết nồm ẩm hiện nay là một trong những vấn đề khiến chúng ta cảm thấy
vô cùng khó chịu.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente'virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh. Thời tiết nồm ẩm khi giao mùa, cộng với thời điểm mới ra Tết, chế độ ăn có sự thay đổi thất thường trong Tết rất dễ khiến bùng phát dịch tay chân miệng.
Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, hay khóc, bỏ bú và biếng ăn hơn. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Quan sát tiếp có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay chưa có vắc-xin phòng chống tay chân miệng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phòng tránh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Làm sạch đồ chơi và nơi ở, đồng thời luôn theo dõi và phát hiện sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente'virus (E71) và Coxcakieruses gây nên.
Bệnh sởi
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông-xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài tạo thuận lợi cho việc bùng phát dịch sởi, nhất là ở những trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi mũi 1.
Bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh này lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho nhiều người khác vì lây trực tiếp từ người sang người.
Bệnh sởi có triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng. Đối với người lớn bị mắc sởi thường có các biểu hiện như: sốt, viêm đường hô hấp, sau đó phát ban từ mặt, ngực lan xuống phần dưới cơ thể…
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn,
do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, virus gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng. Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ được hiểu là, một em bé bị sởi, kèm theo ho hoặc sốt mà xuất hiện nhịp thở nhanh hơn những ngày thường.
Ngoài ra, biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên cha mẹ lại chủ quan. Biến chứng càng nặng nề khi trẻ nhỏ tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thể trạng yếu. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng), bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do virus sởi hoặc do bội nhiễm sau sởi (thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch, hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai). Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.
Để phòng tránh dịch bệnh sởi vào tiết trời giao mùa, theo chuyên gia, chúng ta cần áp dụng những biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện. Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh nơi tập trung đông người, vệ sinh thân thể phải được giữ sạch sẽ, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nâng cao thể trạng.
Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella). Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Thủy đậu
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thủy đậu cũng là căn bệnh cực phổ biến vào tiết trời đông xuân, không khí nồm ẩm. Thủy đậu là bệnh do virus gây nên với biểu hiện là các nốt tròn nhỏ khắp cơ thể, gây ngứa rồi chuyển thành mụn nước và khô đi sau 5 – 7 ngày.
Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm nhất là trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm ướt, khi chúng ta tiếp xúc với nguồn bệnh, kể cả qua đường hô hấp. Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng có thể gây nhiễm trùng khi không được điều trị đúng cách, có thể để lại sẹo xấu, viêm phổi, viêm màng não…
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thủy đậu cũng là căn bệnh cực phổ biến
vào tiết trời đông xuân, không khí nồm ẩm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, tốt nhất là chúng ta cần chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu bằng cách tiêm chủng đầy đủ, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, chú ý mặc quần áo cho trẻ hợp lý khi đi học. Cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên kiêng tắm hay tắm các loại lá, chọc các nốt bỏng nước sẽ dễ khiến trẻ bị nhiễm trùng.
Trước và sau khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc cũng cần vệ sinh tay để tránh sự lây nhiễm từ nơi này sang nơi khác, từ người này sang người khác. Nếu trẻ có những biểu hiện sốt cao liên tục, trẻ bị viêm phổi bội nhiễm như phát hiện thở nhanh, rối loạn tinh thần, kích thích, nôn, tiêu chảy… cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Ttvn.vn