Vậy nguyên nhân thực sự là gì? Dưới đây là 4 lý do có thể giải thích cho sự chênh lệch này.
1. Tỷ lệ hút thuốc và uống rượu cao
Một trong những yếu tố chính khiến tỷ lệ ung thư ở Trung Quốc cao là do thói quen hút thuốc và uống rượu phổ biến trong xã hội. Trung Quốc là quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới, với hơn 300 triệu người hút thuốc, chiếm khoảng 40% tổng số người hút thuốc toàn cầu. Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet cũng chỉ ra rằng Trung Quốc là quốc gia có số ca tử vong liên quan đến rượu nhiều nhất thế giới – khoảng 709.000 người chết mỗi năm vì rượu.
Một trong những yếu tố chính khiến tỷ lệ ung thư ở Trung Quốc cao là do thói quen hút thuốc và uống rượu
Trong khi đó, do ảnh hưởng của tôn giáo và tín ngưỡng, phần lớn người Ấn Độ kiêng kỵ hoặc hoàn toàn không hút thuốc và uống rượu, điều này giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư.
2. Kỹ thuật tầm soát ung thư khác biệt
Một nguyên nhân khác là do sự khác biệt trong khả năng chẩn đoán và thống kê bệnh. Tại nhiều vùng nông thôn của Ấn Độ, hệ thống y tế còn kém phát triển, dẫn đến việc không thể phát hiện sớm bệnh ung thư hoặc thậm chí là không ghi nhận các ca bệnh. Theo bác sĩ Sarika Gupta của Bệnh viện Apollo ở New Delhi, hơn một nửa số ca ung thư ở Ấn Độ không được phát hiện. Điều này khiến cho số liệu thống kê của Ấn Độ có thể thấp hơn thực tế.
3. Thói quen ăn uống
Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng. Tại Ấn Độ, có tới 35% dân số theo chế độ ăn chay, điều này giúp hạn chế lượng chất béo và protein động vật – những yếu tố có thể liên quan đến nhiều loại ung thư. Ngược lại, ở Trung Quốc, người dân thường có xu hướng ăn nhiều thịt, dầu mỡ và ăn uống không điều độ, dẫn đến nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa – các yếu tố làm tăng khả năng mắc ung thư.
Chế độ ăn chay của 35% dân số Ấn Độ giúp hạn chế lượng chất béo và protein động vật
4. Tuổi thọ trung bình
Tuổi thọ trung bình của người dân cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Năm 2020, tuổi thọ trung bình của nam giới Ấn Độ là 67,5 tuổi, nữ giới là 68,9 tuổi. Trong khi đó, Trung Quốc có tuổi thọ trung bình cao hơn đáng kể – khoảng 77,3 tuổi. Vì ung thư là bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi, nên dân số sống lâu hơn đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn.
Thực phẩm nào có thể làm tăng nguy cơ ung thư?
Ngoài các yếu tố xã hội và sinh học nói trên, thói quen ăn uống hằng ngày cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Một số loại thực phẩm cần được hạn chế bao gồm:
Thức ăn chiên dầu: Dầu ở nhiệt độ cao và dầu chiên đi chiên lại có thể sinh ra các hợp chất độc hại. Các món chiên cũng thường chứa nhiều chất béo bão hòa và calo.
Thực phẩm nướng/đồ nướng: Khi nướng bằng than hoặc lửa trực tiếp, các giọt mỡ rơi xuống than hồng có thể tạo ra chất gây ung thư. Ăn phần thịt bị cháy đặc biệt nguy hiểm.
Thực phẩm muối chua, muối mặn: Các loại thực phẩm như cá muối, thịt muối, dưa muối có thể sinh ra nitrosamine – một chất có thể gây ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)