Vắc xin mới này có thể phòng ngừa được 56,5% số ca sốt xuất huyết có triệu chứng, giảm được 88,5% ca mắc sốt xuất huyết thể nặng và làm giảm 67% nguy cơ nhập viện do bệnh này.
Chiều 3.10, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố chương trình nghiên cứu hiệu quả vắc xin ngừa sốt xuất huyết và ý nghĩa thực tiễn cho cộng đồng.
Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Ngọc Hữu - Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nghiên cứu viên chính thức tại Việt Nam - cho biết, từ năm 2011, đơn vị nghiên cứu Sanofi Pasteur đã đưa vắc xin ngừa sốt xuất huyết vào thử nghiệm giai đoạn III nhằm xác định hiệu qủa ngừa bệnh của vắc xin. “Đây là nghiên cứu đa trung tâm, mù quan sát, có đối chứng trên 10.275 trẻ em từ 2-14 tuổi, sống ở 5 quốc gia lưu hành dịch sốt xuất huyết bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam”, ông nói.
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện từ tháng 9.201 tại TP.Long Xuyên (An Giang) và TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) với 2.336 trẻ tự nguyện tham gia nghiên cứu. Trẻ tham gia nghiên cứu được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm, nhóm tiêm vắc xin sốt xuất huyết, nhóm còn lại tiêm giả dược (không tiêm vắc xin), với 3 mũi tiêm cách nhau 6 tháng.
Ông Hữu cho biết, đến nay, kết quả chung tại 5 quốc gia cho thấy, vắc xin sốt xuất huyết đã giúp ngừa được 56,5% số ca sốt xuất huyết có triệu chứng, giảm được 88,5% ca thể nặng (dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO) và làm giảm 67% nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết. Đồng thời, tính an toàn giữa 2 nhóm tiêm vắc xin và giả dược là tương đương nhau, cũng như tương tự các nghiên cứu ở giai đoạn trước đó. Kế hoạch nghiên cứu sẽ tiến hành theo dõi thêm 13 tháng để đánh giá hiệu quả vắc xin thông qua so sánh số ca sốt xuất huyết do bất kỳ type virus nào giữa 2 nhóm tiêm vắc xin và giả dược.
“Kết quả này đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống sốt xuất huyết trên thế giới, vì đây là lần đầu tiên nhân loại phát minh ra vắc xin ngừa được bệnh sốt xuất huyết và chứng minh được rằng, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin”, ông Hữu hồ hởi.
Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50-100 triệu người nhiễm sốt xuất huyết với khoảng 500.000 ca mắc phải nhập viện và khoảng 25.000 người tử vong. Tại Việt Nam, theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 94.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và gần 100 trường hợp tử vong.
Theo Viện Pasteur TP.HCM, nghiên cứu tiếp tục thực hiện đến tháng 11.2017 nhằm theo dõi thêm tính an toàn lâu dài của vắc xin. Sau khi nghiên cứu kết thúc, nhà sản xuất sẽ làm thủ tục, hồ sơ để đưa sản phẩm vắc xin phòng chống bệnh sốt xuất huyết ra thị trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đánh giá cao nghiên cứu này. Theo ông Phu, đối với bất cứ bệnh dịch truyền nhiễm nào, việc ra đời một loại vắc xin ngừa bệnh kết hợp với các biện pháp dự phòng và quản lý nguồn lây sẽ giúp cho cuộc chiến đấu chống lại căn bệnh đó có hiệu quả triệt để nhất. Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, đối với vắc xin sốt xuất huyết vừa công bố, hiệu quả đạt được chỉ mới trên 56%, do đó, nếu triển khai cho người dân cần phải làm tốt thêm công tác truyền thông để người dân không có tâm lý ỷ lại vắc xin mà quên đi các biện pháp phòng ngừa truyền thống lâu nay.
Theo Danviet.vn