Theo báo chí Trung Quốc đưa tin, một cô gái 23 tuổi ở Quảng Châu xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh và phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán "viêm cơ tim và tăng kali máu", lập tức đưa cô ấy vào phòng ICU cấp cứu. Tim của cô gái ngừng đập. Bệnh viện lập tức thực hiện kĩ thuật ''tim phổi nhân tạo" - ECMO. Sau 6 ngày 6 đêm cấp cứu, cuối cùng tim của cô đã bắt đầu đập trở lại và cô đã được ra ngoài sau 13 ngày nguy kịch.
Theo bác sĩ, sau khi cô gái này bị cảm, virus đã xâm nhập vào tim qua đường máu, gây viêm cơ tim nặng.
Tại sao cảm lạnh lại gây viêm cơ tim?
Trên thực tế, viêm cơ tim do virus là loại viêm cơ tim phổ biến nhất.
Cảm lạnh không làm khởi phát bệnh viêm cơ tim mà virus gây cảm sẽ xâm nhập vào đường hô hấp đồng thời “tiện đường” xâm nhập vào tim gây viêm cơ tim. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim do virus rất thấp, khoảng 22/100.000 người mắc.
Nhưng một khi nó tấn công, viêm cơ tim nhẹ có thể tự khỏi như cảm lạnh, nhưng nếu viêm cơ tim nặng có thể làm suy tim, đột tử và các hậu quả nghiêm trọng khác.
Về mặt lâm sàng, các vi rút chính gây viêm cơ tim là enterovirus, adenovirus, parvovirus B-19, Epstein-Barr và virus herpes. So với trẻ em, người lớn dễ bị viêm cơ tim do virus hơn.
Ngoài viêm cơ tim, cảm lạnh và ho cũng có thể gây viêm phổi
Cảm lạnh và ho là do cơ thể con người bị tấn công bởi một số mầm bệnh, vi khuẩn và virus.
Sau khi bị nhiễm các mầm bệnh này, hàng loạt các phản ứng nguy hại sẽ xảy ra ở niêm mạc đường hô hấp trên của cơ thể người làm niêm mạc đường hô hấp xung huyết, phù nề kèm theo dịch tiết ra các chất gây viêm. Dưới sự kích thích của các ổ viêm này, bệnh nhân sẽ bị ho.
Đối với những người có khả năng miễn dịch cao, hoặc những người được điều trị kịp thời, các chứng viêm này sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch kém hoặc không có biện pháp điều trị kịp thời để cho bệnh phát triển, viêm nhiễm sẽ lan xuống dưới gây viêm phế quản, sau đó dễ gây nhiễm trùng phổi, có thể dẫn đến viêm phổi.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)