Thịt lợn là loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam, được nhiều gia đình sử dụng hàng ngày. Loại thịt này có thể chế biến đa dạng, lại có nguồn chất dinh dưỡng cao, bổ dưỡng cho cơ thể.
Thịt lợn là thực phẩm được nhiều người sử dụng hàng ngày
Thịt lợn chứa rất nhiều protein, vitamin và khoáng chất như vitamin B6, B12, sắt, kẽm, kali... Hơn nữa, chúng ta còn có thể chế biến thịt lợn thành nhiều món khác nhau, từ luộc, rang, kho tới nướng...
Bộ phận bẩn nhất của lợn tuyệt đối không nên ăn
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, phổi là cơ quan hô hấp của lợn, đồng thời cũng là một trong những bộ phận nội tạng bị đánh giá là “bẩn” nhất trong cơ thể động vật.
Theo PGS Thịnh, phổi lợn hay của bất kỳ loài vật nào đều chứa vi khuẩn, bụi bẩn và nhiều tạp chất do không khí đưa vào. Đây cũng là cơ quan dễ bị viêm nhiễm, đặc biệt trong điều kiện môi trường chăn nuôi hiện nay. Thực tế, các chuyên gia thống kê cho thấy động vật cũng có thể mắc các bệnh lý như viêm phổi.
Phổi lợn là bộ phận không nên ăn nhiều
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có tới 60% thành phần độc tố trong thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả các chất tạo nạc sử dụng trong quá trình nuôi nhốt, tồn dư trong phổi lợn. Bên cạnh đó, phổi còn có cấu tạo nhiều đường khí quản giúp không khí lưu thông, điều này khiến việc làm sạch bộ phận này trở nên khó khăn. Do vậy, khi chế biến thịt từ các loài như gà, lợn, bò, dê... nhiều người thường chọn cách loại bỏ phổi thay vì sử dụng.
PGS Thịnh cũng lưu ý quan niệm "ăn gì bổ nấy" là không chính xác. Ông từng gặp trường hợp người mắc lao phổi hoặc viêm phổi mua phổi lợn về để tẩm bổ, điều này là hoàn toàn sai lầm. Ngoài ra, nhóm đối tượng như trẻ nhỏ và người cao tuổi cũng được khuyến cáo không nên ăn phổi hay các loại nội tạng khác từ lợn.
Những bộ phận của lợn không nên ăn nhiều
Ngoài phổi lợn, còn có một số bộ phận khác cũng được các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Thịt cổ lợn
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, thịt cổ lợn có hàm lượng chất béo cao, nếu tiêu thụ quá mức không chỉ dẫn đến tăng cân nhanh chóng mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và não bộ. Không chỉ vậy, phần cổ heo còn có chứa các hạch bạch huyết - một hệ thống có chức năng lọc giữ vi sinh vật lạ, tế bào viêm và các độc chất. Việc ăn thường xuyên có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.
“Thịt cổ lợn có hệ thống hạch phức tạp, khó loại bỏ hết hoàn toàn khi chế biến, cơ thể người sẽ tiếp nạp lượng lớn vi khuẩn và chất độc khi ăn, có thể dẫn đến ngộ độc hoặc nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm”, bác sĩ Hà phân tích.
Ruột lợn
Ruột lợn cũng là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng đây lại là bộ phận dễ bị nhiễm khuẩn nhất. Nếu không được làm sạch kỹ lưỡng, việc ăn thường xuyên có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Không những vậy, ruột lợn còn chứa hàm lượng chất béo cao, nếu tiêu thụ trong thời gian dài có thể gây béo phì và dẫn đến các bệnh mãn tính.
Ruột lợn là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng lại là bộ phận dễ bị nhiễm khuẩn nhất
Tiết lợn
Tiết lợn là món ăn giàu chất sắt, phổ biến trong nhiều gia đình. Nếu được sử dụng đúng cách, tiết lợn có thể giúp phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt, hỗ trợ tăng cường miễn dịch và “bổ khí, dưỡng huyết”.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều tiết lợn cùng lúc vì cơ thể khó hấp thụ lượng sắt lớn trong thời gian ngắn. Việc dư thừa sắt có thể gây ngộ độc với các biểu hiện như nôn mửa, đau dạ dày và nhiều phản ứng có hại cho sức khỏe. Các chuyên gia khuyên người dân nên ăn tiết lợn với tần suất hợp lý, khoảng một lần mỗi tuần hoặc 2-3 lần mỗi tháng.
Bên cạnh đó, việc bổ sung đa dạng các loại thực phẩm dinh dưỡng khác cũng rất quan trọng. Một số đối tượng cần đặc biệt tránh món ăn này là người có tiền sử chảy máu đường ruột, người có mỡ máu cao, huyết áp không ổn định hoặc cholesterol cao.
Da, bì lợn
Da lợn là nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn và rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, loại da này chứa các loại protein khó tiêu như keratin và elastin, đồng thời hàm lượng cholesterol xấu cao có thể góp phần gây ra các bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp và béo phì.
Da lợn là nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn
Nếu da lợn không được làm sạch kỹ, nhất là không được cạo sạch lông, các nang lông còn sót lại có thể là nơi trú ngụ của ký sinh trùng và các độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Việc tiêu thụ quá nhiều da lợn không những làm tăng cân mà còn gây áp lực cho dạ dày, dễ dẫn đến các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên hạn chế sử dụng các bộ phận nói trên trong khẩu phần ăn. Việc điều chỉnh thói quen ăn uống hợp lý không chỉ giúp duy trì vóc dáng mà còn góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Những bộ phận của lợn nêu trên nên được sử dụng một cách có chừng mực, tránh lạm dụng để bảo đảm sức khỏe lâu dài.
H.Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)