Sau khi tổ chức thành công buổi lễ kỷ niệm “Ngày phòng chống viêm gan thế giới lần thứ 5” và phát động chương trình “Tầm soát và điều trị ngày vi rút viêm gan C” vào 28/7 vừa qua, Hội Truyền nhiễm Việt nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai, hôm nay chính thức công bố sẵn sàng thực hiện 5000 xét nghiệm vi rút viêm gan C miễn phí giúp những đối tượng có nguy cơ cao.
VP đại diện Hoffmann La-Roche tại Việt Nam tự hào đồng hành cùng Hội Truyền nhiễm và các bệnh viện mang đến 5000 xét nghiệm miễn phí này để giúp bệnh nhân viêm gan virus C được chẩn đoán và điều trị sớm, ngăn ngừa và giảm tỷ lệ tử vong do xơ gan, ung thư gan…
Chương trình “Cùng hành động vì bệnh nhân viêm gan” là một trong những hoạt động ý nghĩa lớn và là kết quả từ sự hợp tác giữa Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác với sự đồng hành của VP Đại diện Hoffman-La Roche tại Việt Nam trong suốt hai năm qua, đã giúp mang đến cơ hội cho hàng ngàn người Việt Nam có nguy cơ cao được tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh viêm gan, đặc biệt là viêm gan C thường được biết tới như một “căn bệnh thầm lặng”, bởi người nhiễm bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng bệnh trong vòng từ 10 tới 20 năm. Tuy nhiên, viêm gan C lại có khả năng biến chứng thành xơ gan, suy gan và thậm chí dẫn tới ung thư gan, đe dọa tới tính mạng người bệnh. Việc phát hiện bệnh quá muộn sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều trị cùng với nguy cơ tử vong cao, trong khi đó nhiều bệnh nhân viêm gan vi rút C hoàn toàn có thể được chữa trị khỏi nếu phát hiện bệnh sớm.
Nếu đã từng trải qua các tình huống sau, người có nguy cơ cao nên đến thực hiện xét nghiệm để được “Tầm soát và điều trị ngay”:
- Dùng bơm kim tiêm chung, ngay cả khi dùng 1 lần
- Nhân viên y tế hay những người làm các công việc phải tiếp xúc với kim tiêm, dịch nhầy có máu nhiễm vi rút viêm gan C
- Từng trải qua các thủ thuật y tế: truyền máu, các sản phẩm từ máu, lọc máu do suy thận, tái sử dụng kim tiêm, ống tiêm, ống thông hay các trang thiết bị y khoa khác.
- Khám chữa răng với dụng cụ không tiệt trùng
- Châm cứu, chích lễ, xăm da, các thủ thuật thẩm mỹ
- Có mẹ nhiễm vi rút viêm gan C
- Người có triệu chứng bất thường ở gan (tăng men gan, vàng da,…)
- Tình dục không an toàn
- Nhiễm HIV
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chia sẻ: “Việt Nam là một trong 9 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao. Có đến 90% trường hợp mắc viêm gan B không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi tiến triển thành xơ gan, ung thư gan (tức là khi đã quá muộn); đồng thời, có đến 90% tỷ lệ người mắc viêm gan C không có biểu hiện lâm sàng, chỉ có tế bào gan bị tổn thương âm thầm, trong đó có hơn 50% trường hợp sẽ chuyển thành xơ gan và ung thư. Dù không có triệu chứng, chúng ta vẫn nên đi khám sức khỏe định kỳ để được xét nghiệm kiểm tra có bị viêm gan B, viêm gan C nhằm phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm”.
Bà Inge Kusuma, Trưởng đại diện Văn phòng Hoffmann-LaRoche tại Việt Nam, cho biết: “Con số hàng triệu người Việt Nam mang vi rút viêm gan C thật sự là một vấn đề đáng lưu tâm và ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải chung tay hành động ngay để hỗ trợ người có nguy cơ viêm gan cũng như người bị bệnh viêm gan tại Việt Nam. Với chương trình “Cùng hành động vì bệnh nhân viêm gan”, Roche tự hào mang đến những trang thiết bị kiểm soát toàn diện căn bệnh này, cùng Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai một lần nữa khẳng định cam kết trong việc chung tay đẩy lùi bệnh viêm gan, thực hiện tôn chỉ mục đích của tập đoàn “Doing now what patients need next”, nghĩa là “Hành động ngày hôm nay cho nhu cầu của ngày mai”.
Các loại vi rút viêm gan A, B, C, D và E có thể gây bệnh viêm gan cấp tính và mãn tính dẫn đến xơ gan và ung thư gan, đặc biệt là viêm gan vi rút B và C. Đây là 2 tác nhân được giới chuyên môn xem là “sát thủ thầm lặng”, do hầu hết người bị nhiễm 2 loại vi rút này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu - và có thể tới vài chục năm cho đến khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan thì mới biết, dẫn việc khó khăn trong công tác điều trị cùng với nguy cơ tử vong cao.
Trên thế giới có khoảng 500 triệu người nhiễm viêm gan vi rút B và C mãn tính, và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Ước tính Việt Nam có khoảng 10-15% dân số bị nhiễm vi rút viêm gan B, 4% nhiễm vi rút viêm gan C. Chủ động đi khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh là biện pháp tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị bệnh viêm gan vi rút hiệu quả.
Hoàng Vũ (Theo Giadinhvietnam.com)