Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc mắt) là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (tròng trắng mắt) và kết mạc mi.
Nguyên nhân bệnh rất đa dạng: virus, vi khuẩn, dị ứng, hoá chất, dị vật… Năm 2023, xuất hiện các ca bệnh đơn lẻ, chủ yếu ở miền Bắc, Hà Nội vào cuối tháng 7. Số cas bệnh tăng nhanh và hiện đã xuất hiện các cas bệnh ở TP.HCM và tại đây, số ca bệnh tăng nhanh chóng khắp các tỉnh phía nam.
Năm nay, nguyên nhân gây nên các vùng dịch nhỏ là do hai chủng virus: enterovirus (Coxsackievirus A24 86%) và adenovirus (Adenovirus 54 (hAdV-54) 11% và Adenovirus 37 (hAdV-37) 3%)
Hai chủng này diễn biến lây lan nhanh, nhất là khu vực tập trung trẻ nhỏ: nhà trẻ, trường học, sân chơi,… sau đó về lây lan cho hộ gia đình rồi sang cộng đồng dân cư.
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ năm 2023
Ban đầu là các triệu chứng không điển hình: đau nhẹ ở họng, sốt nhẹ, đau mỏi cơ, mệt mỏi, ho, sổ mũi. Các triệu chứng sau đó kéo dài 1-2 ngày rồi xuất hiện các triệu chứng ở mắt:
- Đỏ ở tròng trắng hoặc mí mắt bên trong.
- Chảy nước mắt nhiều.
- Cảm giác khó chịu ở 1 mắt sau đó lan sang cả cả 2 mắt.
- Ngứa mắt.
- Tầm nhìn mờ.
- Nhạy cảm với ánh sáng, chói- loá mắt.
- Mí mắt sưng.
- Các trường hợp nặng có sưng nề, phù cả giác mạc.
- Hiếm khi thấy chảy dịch vàng hoặc xanh. Chỉ xuất hiện khi có quặm mí hoặc bội nhiễm vi khuẩn khác.
Khi đau mắt đỏ nên làm gì?
Điều quan trọng và tiên quyết là giữ bình tĩnh. Sắp xếp công việc và thời gian, đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
Không được tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt mà chưa qua chỉ định hay thăm khám của bác sĩ. Việc tự ý mua có thể làm nặng thêm diễn tiến bệnh dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn.
Chườm lạnh: dùng một khăn sạch, giặt sạch trong nước đã đun sôi, giữ sạch, để vào ngăn mát tủ lạnh 15-20 phút sau đó lấy ra, đắp lên cả hai mắt. Thay khăn hoặc giặt khăn mới khi hết lạnh.
Có thể đeo kính râm. Việc đeo kính râm không giúp tránh việc lan truyền bệnh như mọi người lầm tưởng mà chỉ giúp người bệnh dịu mắt khi tiếp xúc với ánh sáng quá chói.
Dùng thuốc nhỏ mắt được bác sĩ kê toa. Lưu ý: đúng liều, đúng thời gian và liều lượng, nhỏ cả hai mắt. Nếu có bất thường khác cần tái khám ngay.
Những sai lầm khiến đau mắt đỏ ngày càng nặng hơn
- Dùng kính áp tròng khi đau mắt đỏ càng khiến mắt khó chịu hơn.
- Đưa tay dụi mắt khi bị nhiễm bệnh.
- Dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt với người đau mắt đỏ.
- Đi bơi khi đau mắt đỏ.
- Tự ý mua thuốc, chữa bệnh tại nhà.
Cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không có thực sự hiệu quả?
Bệnh đau mắt đỏ khiến người mắc phải đau và nhức mỏi mắt vô cùng. Tuy nhiên, đây không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm về mắt, có rất nhiều các cách truyền miệng được nhiều người áp dụng vì chúng được cho là có hiệu quả cao và giúp khỏi bệnh nhanh chóng. Vậy thực hư các cách đó có thật sự hiệu quả?
Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu có hiệu quả đối với một số trường hợp nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ. Thực tế, sau một tuần, đau mắt đỏ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm kiếm các phương pháp khác nhau trong đó có việc sử dụng lá trầu không để giảm sưng và tránh cảm giác khó chịu mà bệnh này mang lại.
Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đây được coi là phương pháp truyền miệng từ dân gian khá hiệu quả trong việc chữa trị chứng đau mắt đỏ gây ngứa ngáy, tuy nhiên cách làm này cũng tiềm ẩn một số nguy hiểm.
Lá trầu không có tác dụng tiêu viêm và kháng khuẩn đối với đau mắt đỏ, nhưng chữa bằng phương pháp này có thể mang theo những nguy cơ hại sức khỏe.
Sử dụng lá trầu không một cách không cẩn thận có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, sưng nề, và xuất huyết dưới kết mạc. Ngoài ra, đây là phương pháp dân gian và chưa có bằng chứng khoa học xác nhận hiệu quả của nó trong việc điều trị đau mắt đỏ, có thể dẫn đến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn nếu sử dụng không đúng cách hoặc lá trầu không chưa được rửa sạch.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)