Cha của Tiểu Lý (Trung Quốc) năm nay 60 tuổi, cách đây một thời gian ông được đưa vào bệnh viện để kiểm tra do thường xuyên bị đau bụng, sau đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn giữa. Bác sĩ khuyên ông nên nhập viện ngay để điều trị nhưng ông từ chối lời khuyên của bác sĩ do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Sau khi về nhà, ông tìm kiếm các bài thuốc dân gian để chữa bệnh ung thư thì tình cờ thấy một bài báo nói rằng chanh là nước có tính kiềm, có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Nó hiệu quả hơn hóa trị và không gây ra tác dụng phụ như rụng tóc và khó chịu ở đường tiêu hóa.
(Ảnh minh họa)
Sau khi đọc bài viết, ông ấy bắt đầu uống nước chanh mỗi ngày. Sau khi uống được ba tháng, các triệu chứng của căn bệnh ung thư không những không thuyên giảm mà ông còn ngày càng gầy đi, thậm chí có ngày ông còn ngất xỉu ở nhà. Sau khi được đưa đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện tế bào ung thư đã di căn rộng, nhập viện chưa đầy một tuần thì cha của Tiểu Lý qua đời.
Kết quả này khiến Tiểu Lý rất đau lòng, không phải nói chanh có thể tiêu diệt tế bào ung thư sao? Tại sao nó không có tác dụng với bố mình?
(Ảnh minh họa)
Thông tin rằng chanh có thể chống ung thư xuất phát từ một dữ liệu năm 2017 , thông tin đó cho rằng chiết xuất chanh có tác dụng điều trị đối với 12 loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tuyến tụy, hiệu quả cao gấp 10.000 lần so với hóa trị.
Chưa bàn đến tính xác thực đúng sai của bài viết, nhưng sau khi bị biến hóa, thêm thắt trên mạng, điều này đã trở thành thông tin khẳng định, rằng uống nước chanh trong thời gian dài có thể chống lại bệnh ung thư. Vì vậy, nhiều bệnh nhân cũng giống bố của Tiểu Lý, tin rằng uống nước chanh hàng ngày để chống chọi với bệnh ung thư. Vậy có cơ sở khoa học nào cho nhận định này không?
Thực sự đã có những nghiên cứu về chanh, nhưng những nghiên cứu này chỉ dựa trên động vật và tế bào, kết quả thu được không thể áp dụng cho cơ thể con người. Và chiết xuất được sử dụng trong nghiên cứu là có độ tinh khiết cao và yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng, hàm lượng. Để đạt được liều lượng và hiệu quả như các nghiên cứu bằng cách ăn chanh ở nhà thì rõ ràng là không thể.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, mặc dù một số loại thực phẩm có chứa một hoặc nhiều thành phần chống ung thư, nhưng điều này không có nghĩa là ăn loại thực phẩm này có thể ngăn ngừa ung thư.
Đến thời điểm hiện tại, cũng chưa có nghiên cứu nào so sánh tác dụng chống ung thư của chanh và hóa trị. Mặc dù nhiều tài liệu cho rằng chanh có chứa nhiều chất sinh học, như các thành phần monoterpenes, coumarin... có tác dụng chống oxy hóa và chống ung thư nhất định. Bệnh viện Đa khoa Quân đội Bắc Kinh, Trung Quốc cũng ra văn bản khẳng định chanh không có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư.
Vì vậy, bạn nên nâng cao khả năng nhận thức khi thấy những tin đồn mỗi ngày, đừng mù quáng tin vào chúng, điều này không những không đạt được hiệu quả điều trị mà còn làm trì hoãn việc điều trị.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)