Nhạc sĩ Phú Quang đã mắc bệnh tiểu đường hơn 30 năm. Cứ mấy tháng, ông phải vào viện điều trị một lần. Năm 2020, ông từng nhập viện dài ngày trong tình trạng nguy kịch do biến chứng tiểu đường.
Tiểu đường còn gọi bệnh đái tháo đường là sự dư thừa lượng glucose trong máu. Bệnh thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa protein, cacbohydrat, mỡ. Đáng lo ngại là ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh, nhiều người ở độ tuổi 25-30 mắc bệnh mà không biết.
Vậy căn bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Mắc bệnh tiểu đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim. Cần xác định nguyên nhân bệnh tiểu đường chính là bước cần thiết để lựa chọn cách chăm sóc và chữa bệnh hiệu quả nhất.
Phân loại bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường được phân làm 3 loại chính, đó là: Tiểu đường type 1, Tiểu đường type 2, và tiểu đường thai kỳ.
Bệnh tiểu đường type 1
Bệnh tiểu đường type 1 là bệnh rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến tụy chứ không phải các yếu tố bên ngoài. Điều này gây ra việc thiếu hụt Insulin và tăng lượng đường huyết trong máu
Nếu bạn bị tiểu đường type 1, các triệu chứng sẽ xuất hiện từ sớm. Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân tiểu đường type 1. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng nguyên nhân tiểu đường type 1 có thể từ sự di truyền hoặc do môi trường. Bạn có nguy cơ mắc tiểu đường type 1 cao hơn nếu rơi vào những trường hợp sau đây:
• Mẹ hoặc anh chị mắc tiểu đường type 1
• Trong cơ thể hiện diện kháng thể bệnh tiểu đường
• Thiếu vitamin D, sớm sử dụng sữa bò hoặc các sữa bột nguồn gốc từ sữa bò, và sử dụng các loại ngũ cốc trước 4 tháng tuổi
Bệnh tiểu đường type 2
Đây là bệnh tiểu đường không phụ thuộc vào Insulin, là loại tiểu đường phổ biến nhất hiện nay. Bệnh thường xuất hiện ở người trưởng thành, tuy nhiên, do tỷ lệ béo phì ngày càng tăng dẫn đến tỷ lệ béo phì ở trẻ vị thành niên ngày một tăng cao
Khi mắc tiểu đường type 2, các tế bào của bạn kháng thể Insulin, tuyến tụy không thể sản xuất Insulin để cung cấp đủ cho cơ thể. Thay vì di chuyển để tạo ra năng lượng cho cơ thể, đường sẽ tích tụ trong máu.
Tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại tiểu đường xảy ra trong quá trình mang thai của phụ nữ. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tiểu đường thai kỳ thường sẽ biến mất sau khi mẹ bầu chuyển dạ.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường
• Có cảm giác cực kỳ khát, hay còn được gọi là chứng khát nhiều.
• Đi tiểu nhiều, đôi khi đi thường xuyên mỗi giờ, còn gọi là chứng tiểu nhiều.
• Sụt cân không rõ nguyên nhân.
• Cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi.
Bạn có thể có hoặc không có các triệu chứng bệnh tiểu đường khác, như:
• Buồn nôn hoặc nôn mửa.
• Mờ mắt.
• Nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ.
• Nhiễm nấm men hoặc nấm candida.
• Khô miệng.
• Chậm lành vết loét hoặc vết cắt.
• Ngứa da, đặc biệt là ở bẹn hoặc khu vực âm đạo.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Tiểu đường gây biến chứng toàn thân nhất là biến chứng mù loà, bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận mãn tính, biến chứng thần kinh khiến người bệnh phải cắt cụt chi. Đặc biệt, biến chứng của tiểu đường gây ra tử vong cho hàng triệu người. Ước tính cứ 8 giây trôi qua trên thế giới có 1 người tử vong do đái tháo đường, 30 giây có 1 người bị cắt cụt chân do đái tháo đường gây ra, 5 phút lại có người bị biến cố tim mạch do đái tháo đường như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Dù là bệnh mạn tính có số người mắc rất lớn nhưng 70% người dân Việt không biết mình mắc bệnh do bệnh tiến triển hết sức âm thầm. Do không được điều trị kịp thời, trên 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 đến bệnh viện khi đã có nhiều biến chứng hết sức nặng nề.
Biến chứng cấp tính
Xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Biến chứng do tăng đường huyết: Bệnh nhân có thể tổn thương não, hôn mê nhiễm ceton axit, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu quá nặng. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Bệnh nhân cũng có thể hôn mê do hạ đường huyết quá mức, uống thuốc quá liều hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức...
Biến chứng mạn tính
Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt đối với những người không kiểm soát tốt đường huyết.
- Tim mạch: Đường huyết tăng cao kéo theo hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn mỡ máu, nội mô khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan (tim, não, bàn chân…) hoặc tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu, đột quỵ.
Thống kế cho thấy, gần 70% người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường 2-4 lần. Thống kê cho thấy, 15-33% người bị đột quỵ có bệnh lý tiểu đường.
Điều trị và phòng ngừa tiểu đường
Các chuyên gia cho biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày và thể dục thể thao hợp lý, kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc quan trọng nhất mặc dù ở thể bệnh nào.
Ở thể tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.
Ở thể tiểu đường tuýp 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày thì có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để ổn định lượng đường trong máu.
Để không tiến triển nặng, bệnh nhân tiểu đường cần có kế hoạch theo dõi lượng carbohydrate, cũng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Cần lưu ý rằng, bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng thời gian. Do đó, bệnh cần được thăm khám định kỳ, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả, theo chỉ định của bác sĩ.
Chế độ ăn uống giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh.
Không thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường tuýp 1 nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý.
Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh.
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn bệnh tiểu đường: đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý. Thiết kế bữa ăn đơn giản, không quá đắt tiền và phù hợp với tập quán địa phương.
Cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo, bổ sung những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt; theo dõi đường huyết sau bữa ăn.
Việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch... Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập 30 phút mỗi ngày. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)