Sau 2 ngày hôn mê, dù đã được phẫu thuật lấy máu tụ nhưng nghệ sĩ hài Khánh Nam (tên thật là Trần Minh Thành, sinh năm 1965) đã không thể qua khỏi. Được biết, trước đó nghệ sĩ Khánh Nam bị xuất huyết não ( hay còn gọi là đột quỵ, tai biến mạch máu não) khi đang trên đường đi diễn.
Xuất huyết não xảy ra khi có một mạch máu nằm trong não bị vỡ khiến máu chảy vào các nhu mô. Khi bị tăng áp lực đột ngột có thể gây tổn thương các tế bào não xung quanh khối máu tụ.
Nghệ sĩ Khánh Nam qua đời vì đột quỵ khi đang đi diễn.
Xuất huyết não xuất hiện rất đột ngột và dữ dội. Nếu bệnh nặng máu chảy vào não nhiều sẽ gây hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim, phần lớn tử vong trong vòng 48 giờ. Những bệnh nhân còn sống sau xuất huyết não nặng thường bị di chứng nặng nề.
Khi bị xuất huyết não, biểu hiện lâm sàng là đột qụy như: đang đi hoặc đang làm gì đó bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, thường lấy tay ôm đầu, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên.
Tự nhiên nói khó hẳn đi hoặc cấm khẩu; cả một tay và một chân cùng bên tự nhiên yếu hơn rồi bại dần hoặc nặng hơn thì liệt hẳn (bán thân bất toại) kèm theo liệt nửa mặt, vật vã, đái dầm, đại tiện không tự chủ, tăng tiết đờm dãi và mồ hôi (bên liệt), nhịp thở không đều, rối loạn nhịp tim và huyết áp, sốt.
Những người có nguy cơ cao bị xuất huyết não thường có tiền sử cao huyết áp, hút thuốc lá, cholesterol trong máu cao, nghiện rượu, béo phì, ít hoạt động, phụ nữ lạm dụng thuốc tránh thai...Thông thường người lớn tuổi thường hay bị xuất huyết não, nhưng thời gian gần đây đã ghi nhận tình trạng trẻ hóa người mắc căn bệnh này.
PGS Mai Duy Tôn hướng dẫn các sơ cứu khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ.
PGS.TS Mai Duy Tôn – Trưởng phòng Cấp cứu 1 (Khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai) cho biết, khi phát hiện ra người bệnh việc đầu tiên là phải chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu. Nếu chuyển đến bệnh viện trước 4,5 giờ thì các bác sĩ (ở 1 số bệnh viện lớn) có thể dùng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị và không để lại biến chứng.
Để phòng ngừa căn bệnh này, PGS Tôn khuyến cáo, mọi người hãy từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường tập thể dục. Đặc biệt, những người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường cần phải lưu ý chỉ số cân nặng, huyết áp…thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cũng vô cùng quan trọng.
Cách sơ cứu khi phát hiện người bệnh bị xuất huyết não (đột quỵ): - Khi phát hiện thấy người bị đột quỵ, cần đưa người bệnh ra nơi thông thoáng, nới lỏng quần áo. - Sau đó lấy gối (vật dụng mềm) xung quang kê cao lưng, cổ người bệnh lên cao khoảng 30cm. - Tiếp theo kiểm tra miệng người bệnh xem có dị vật hoặc đờm nhãi, thức ăn gì hay không. - Dùng khăn sạch đưa vào miệng người bệnh lau sạch đờm nhãi bên trong. - Sau đó cho người bệnh nằm xoay sang một bên, để phòng trường hợp người bệnh bị sặc vào phổi. - Tiếp theo, lấy một chiếc đũa, quấn khăn xung quanh, rồi đặt nằm ngang miệng người bệnh, tránh tình trạng người bệnh cắn vào lưỡi. - Trường hợp xe cấp cứu xa chưa đến kịp, thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra động mạch cảnh bên cạnh cổ của người bệnh. - Nếu người bệnh ngừng tuần hoàn thì tiếp tục sơ cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim, kiểm soát đường thở, thổi ngạt... - Đặc biệt lưu ý, trong quá trình sơ cứu, đợi xe cấp cứu tới tuyệt đối không cho người bệnh, ăn uống bất kể thứ gì. PGS.TS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai |
Theo Khampha.vn