Đậu phụ chứa thạch cao
Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Sức Trưởng Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM:“Dựa vào cảm quan thì đậu phụ chứa thạch cao thường rất cứng, nặng tay hơn so với đậu sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Càng sử dụng nhiều thạch cao thì miếng đậu phụ càng cứng. Do đó khi mua nên chọn những miếng đậu mềm, nhẹ tay hơn”.
Trà chanh hóa chất
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Cúc, giảng viên chuyên về trà, cà phê và đường, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết: “Trước đây, đường hóa học là loại bị cấm dùng trong thực phẩm vì loại đường này không mang lại năng lượng như đường saccharose và bị nghi là chất gây ung thư. Nếu sử dụng đường này trong trà chanh, sau khi uống vài phút, người uống sẽ có cảm giác gắt ở cuống họng khá lâu”.
Bún chứa hóa chất
“Dấu hiệu để nhận dạng sản phẩm bún, bánh tươi... có ô nhiễm Tinopal là quan sát bằng mắt thường sản phẩm có màu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng” - TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho biết.
Chà bông làm từ sắn dây
Theo GS-TS Bùi Minh Đức- Phó chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm thì phân biệt ruốc thịt và ruốc làm từ bã sắn dây không khó. Chỉ cần ngâm ruốc vào nước một thời gian ngắn, nếu sợi ruốc trương lên và sờ vào thấy mềm nhũn, dần chuyển từ màu vàng sang màu trắng bợt thì đó là sản phẩm làm từ sắn dây. Ruốc thật khi cho vào nước sẽ rời ra, nhưng vẫn giữ sắc vàng.
Mực khô giả
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thừa Thiên – Huế sau khi tiến hành thử nghiệm thông thường bằng cách lấy lửa đốt, thì thấymực giả không có mùi thơm đặc trưng của mực nướng mà thay vào đó là mùi khét lẹt của polymer và cháy đen.
Chả lụa hóa chất
Phân biệt bằng cách nhìn: Chả lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt. Lý do là bởi chả được làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong khoanh chả.
Nếu chả không có những lỗ rỗ này tức là giò đã bị pha lẫn bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.
Phân biệt bằng cách ngửi: chả ngon là loại có mùi thơm thoang thoảng của thịt hòa quyện với mùi của lá gói. Nếu thấy một khoanh chả có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi đó là loại giò đã được tẩm chất phụ gia hương thịt.
Mùi chả do chất lượng giò tạo nên, chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói là ngon. Nếu thấy một cây giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớp tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì nên bỏ qua ngay lập tức.
Phân biệt bằng cách nếm: Một khoanh chả ngon thì khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, hơi giòn, mềm mềm, không dai giòn bất thường, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở.
Nếu chả quá bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì tức là đã bị trộn với bột, còn nếu chả giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.
Rau xanh chứa thuốc trừ sâu
Khi thấy lá rau non hơn bình thường, lá mầu xanh đen, giòn và hầu như không có vết sâu bệnh hại; đây là những loại rau mà người trồng đã bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón lá và phun các loại thuốc trừ sâu, bệnh nhưng không đảm bảo thời gian cách ly. Đối với những loại rau này, trong thành phần có chứa nhiều đạm nitorat (NO3) và các hóa chất bảo vệ thực vật gây hại tới sức khỏe con người.
Thịt heo có hóa chất
Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Khi con người ăn phải thực phẩm có chứa chất corticoid sẽ gây rối loạn trao đổi chất và ung thư bàng quang.
Theo Baodatviet.vn