Đây là những món ăn chơi bán trên hè phố tại các nơi rất bình dân và thường kết hợp với quán bia, tiệm rượu. Các món thịt lợn nướng, mực nưóng được bán khắp nơi, món nào cũng toả mùi thơm hấp dẫn.
Phổ biến hơn cả vẫn là món thịt lợn xiên nướng. Kỹ thuật làm món này không khó, lấy thịt ba chỉ, thái mỏng, tẩm ướp gia vị rồi xiên vào que tre, nướng trực tiếp trên lửa than, nướng được xiên thịt nào ăn luôn xiên ấy, nhấm nháp ngay khi miếng thịt còn nóng với vài ly rượu, vại bia, chuyện trò rôm rả quên cả thời gian.
Món chân gà nướng càng đông khách hơn. Đây là một món nhắm lý tưởng của các bạn trẻ thích bia, rượu. Chân gà tẩm gia vị xong, nướng chín vàng trên lửa than, còn tỏa mùi thơm phức, chấm muối tiêu vắt chanh, khề khà nhắm rượu thật thú vị.
Để phục vụ kịp thời nhiều nhà hàng đã nướng qua quít, thực phẩm chỉ chín phía bên ngoài, bên trong còn sống, thịt lợn còn lòng đào, tủy bên trong chân gà vẫn đỏ. Không ít nhà hàng còn ham lợi mua cả những thịt đã ôi thiu, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc từ gia súc, gia cầm bị bệnh nên đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc, nếu không nói là nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, đồ nướng hiện nay không được các nhà dinh dưỡng học khuyến khích dùng vì bị liệt vào loại thức ăn cần cảnh giác trong phòng chống ung thư.
Ảnh minh họa.
Cách loại bỏ các thành phần độc hại phát sinh từ món nướng
Trong quá trình nướng thực phẩm với nhiệt độ cao, chất béo từ thực phẩm chảy xuống ngọn lửa bên dưới (than nóng hoặc các thanh nhiệt trong lò nướng điện), kèm theo đó là lượng dầu được dùng để phết thêm lên thực phẩm hoặc vỉ nướng. Dầu mỡ cháy tạo ra loại khí độc PHA (polycyclic aromatic hydrocarbon) có thể gây ung thư. PHA sẽ bám vào thức ăn qua khói.
Ngoài ra khi nhiệt tăng quá mức sẽ dẫn tới phản ứng giữa hoạt chất creatine và axit amino có trong protein của thịt, sinh ra nhiều chất độc khác, điển hình là HCA (heterocyclic amine). Những loại thịt có nhiều mỡ như thịt lợn, thịt gà… chứa nhiều nguy cơ nhất. HCA thường được tạo ra trong quá trình chế biến các món thịt giầu protein ở nhiệt độ cao như nướng, rán.
Để hạn chế tối đa các thành phần độc hại phát sinh trong quá trình nướng món ăn, các chuyên gia Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra những lời khuyên sau đối với người tiêu dùng:
- Nên tẩm hoặc ướp thực phẩm cần nướng với nước xốt trước khi nướng. Nước xốt ngoài tác dụng tăng hương vị cho món ăn còn có thể làm tăng tính an toàn cho các món nướng. Lớp dịch lỏng của nước xốt bao phủ thực phẩm sẽ làm giảm lượng mỡ chảy xuống, do đó hạn chế phát sinh các chất độc. Xốt càng đặc càng có hiệu quả cao
- Chất lượng của vỉ nướng cũng có vai trò quan trọng. Nên chọn những loại vỉ nướng làm bằng gốm chịu nhiệt cao và thép không rỉ. Tuyệt đối không nên dùng loại vỉ nhôm vì sự phản ứng giữa axit và nhôm trong khi nướng sẽ tạo ra những chất độc hại.
- Nên nướng ở nhiệt độ thấp hoặc vừa phải để hạn chế khói.
- Thường xuyên trở qua lại các món nướng để giúp thịt chín đều, tránh cháy sém một phía.
- Hạn chế thời gian nướng bằng cách thái thực phẩm nhỏ và mỏng.
- Hạn chế mỡ chảy xuống nguồn lửa bên dưới bằng cách loại bỏ chất béo của các thực phẩm trước khi nướng. An toàn nhất là chọn nướng những thực phẩm nạc, không chứa nhiều chất béo.
- Khi ăn món ăn nướng phải loại bỏ hết những phần bị cháy sém vì là chỗ chứa nhiều chất độc nhất
- Không nên quá say mê ăn nhiêu món ăn nướng mà chỉ nên dùng hạn chế, mỗi tuần không quá 2 lần.
Theo Vnmedia.vn