Nấm độc là nấm có độc tố, không ăn được. Có loại nấm chứa độc tố gây chết người (Amatina phalloides, A.verna...). Một số loại nấm ăn vào gây nhiều bệnh về tiêu hóa, gan, thận, thần kinh..., nếu ăn nhiều, không được điều trị kịp thời dễ gây tử vong. Ngoài ra, có một số nấm tiết độc tố ra môi trường sinh trưởng như đất, phân, nước... Các loại rau, củ trồng trên môi trường đó cũng sẽ bị nhiễm độc.
Nấm độc có thể có màu sắc sặc sỡ, nhưng nhiều loại có hình dáng rất giống nấm thường nhất là loại Amanita phalloide. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm rất cao, nếu ăn phải loại A. phalloides thì tử vong lên đến 90%. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học.
Ảnh minh họa.
Phân biệt nấm độc
Trong thực tế, phương pháp đơn giản và áp dụng đó là à nhận biết hình thái, so sánh nấm độc và nấm không độc.
Cây nấm có 3 bộ phận: mũ, thân và chân nấm. Ở các loại nấm khác nhau thì hình thái, kết cấu 3 bộ phận đó cũng khác nhau. Màu sắc, mùi vị của nấm cũng rất đa dạng. Trong đó, các loại nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, mùi vị thối, đắng, hắc...
Họ nấm Amanita: thường có nhiều màu như trắng, vàng, nâu, xanh, lục... Đặc điểm cơ bản để phân biệt Amanita với các loài khác là nấm Amanita có đài (bao) ở chân nấm.
Loại nấm Entoloma lividum rất giống nấm rơm, chỉ khác là chân cuống không có đài nấm. Nấm Entoloma lividum thường mọc trên bãi đất trong rừng, trên đất sét, có 2-3 cây nấm ở một chỗ. Mũ nấm chất thịt, hình lồi rồi phẳng, đường kính 8-20cm; bờ cuốn vào trong, màu nâu nhạt hoặc xám; giữa có núm dày và rắn; có phấn, phiến nấm rời, màu xám vàng, bao tử màu hồng xám; cuống mập và to, lúc đầu đặc, sau xốp, hình ống tròn hoặc có vảy ở chân cuống, mặt có dọc trắng, vảy vàng, thịt trắng.
Lưu ý, nấm là môi trường dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật. Cho nên dù đối với những loại nấm không độc, nhưng hái về để lâu mới ăn hoặc nấm đã hỏng, bị nhiễm bẩn mới sử dụng cũng dễ gây ngộ độc. Ngược lại, có một số loài nấm có chứa chất độc nhưng chất độc đó không tan trong dịch vị dạ dày nên cũng không gây ngộ độc. Nhưng các chất độc này lại tan trong rượu nên khi ăn nấm mà lại uống rượu thì cũng dễ bị ngộ độc.
Phòng ngừa ngộ độc nấm độc
Để phòng ngừa ngộ độc nấm, không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Cục an toàn thực phẩm, ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan..., chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người. Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Mọi người khi muốn ăn nấm cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn. Ở các địa phương miền núi, khi ăn nấm nên hỏi rõ những người có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc.
Nếu có điều kiện nên cho chó, mèo hay gà ăn thử nấm nếu thấy chúng có biểu hiện lạ hoặc bị chết thì tuyệt đối không ăn nấm. Không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm để xác định được rõ loài độc hay không.
Theo VnMedia.vn