Mới đây, nhạc sĩ Minh Vy bất ngờ tiết lộ Cẩm Ly bị thay đổi giọng vì bệnh viêm xoang nặng. Theo chia sẻ của ca sĩ Cẩm Ly, căn bệnh này bắt đầu ảnh hưởng đến giọng hát của nữ ca sĩ từ năm 2015.
Ca sĩ Cẩm Ly đã đi khắp nơi khám, thử qua nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Việc dùng thuốc kháng sinh theo thời gian đã không còn hiệu quả, bệnh tình của Cẩm Ly ngày càng nặng hơn. Căn bệnh khiến chị từng không thể hát, giọng nói cũng bị khàn đặc. Chị đã phải dừng 2 năm ca hát, từng sang Mỹ chữa bệnh vào năm 2018.
Sau quá trình điều trị tại Mỹ, hiện giọng hát của Cẩm Ly đã hồi phục được 80%. Chị bắt đầu nhận show diễn và thu âm ca khúc. Nữ ca sĩ "Chim trắng mồ côi" mới hoàn thành MV Ngoại ơi, con về. "Sau thời gian chữa trị bệnh, giọng hát của mình không còn phong độ, trong trẻo như xưa mà bị trầm hơn" – nữ ca sĩ Cẩm Ly chia sẻ.
Ca sĩ Cẩm Ly từng không thể hát vì căn bệnh viêm xoang nặng
Bệnh viêm xoang như ca sĩ Cẩm Ly mắc trên thực tế cũng rất nhiều người mắc phải. Các chuyên gia về Tai – Mũi – Họng cho biết, bệnh viêm xoang có thể do virút, vi trùng, nấm… gây ra. Virút thường gây viêm xoang cấp tính, vi trùng gây viêm xoang cấp và mãn tính, nấm đa số gây viêm xoang mãn tính.
Khi mắc bệnh viêm xoang, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như chảy dịch mũi, nghẹt mũi, đau đầu, đau nhức các vùng má, trán... Người bệnh cũng dễ gặp phải tình trạng nghẹt mũi đến khó thở, mất ngủ, phải thở bằng miệng kéo dài lại gây nên tình trạng khô họng, viêm họng mãn, ho đờm rất khó chịu...
Thường thì mọi người vẫn nghĩ rằng viêm xoang, viêm mũi chỉ là tạm thời và tự khỏi nên chủ quan không tích cực điều trị, tới khi có những dấu hiệu bệnh trở nặng mới chữa. Việc này gây ra biến chứng nặng nề hơn, thời gian điều trị lâu và có thể gây biến chứng.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc bệnh viện Tai - Mũi - Họng TƯ, viêm xoang xảy ra quanh năm nhưng mỗi khi thay đổi thời tiết là rất dễ tái phát. Bệnh viêm xoang thường được chia làm 2 loại là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính. Biểu hiện trong viêm xoang cấp tính rất rõ rệt với triệu chứng điển hình là đau nhức vùng đầu trán, chảy nước mũi và nghẹt mũi. Người bệnh có thể kèm sốt, mệt mỏi.
Người mắc viêm xoang mãn tính thường tiến triển từ giai đoạn cấp tính. Triệu chứng ở viêm xoang mãn tính không "mạnh mẽ" như cấp nhưng lại vô cùng dai dẳng và khó chịu.
Để biết chính xác mức độ bệnh của mình, nguyên nhân do đâu, người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám cụ thể. Cơ chế gây viêm xoang là tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang. Nếu không giải quyết được cơ chế này thì điều trị bằng phương pháp nào cũng không giải quyết tận gốc được viêm xoang. Trên thực tế, nhiều người mắc viêm xoang mãn tính đã được chữa khỏi. Người bệnh phải điều trị kiên trì kết hợp cùng chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, môi trường sống sạch, nghỉ ngơi điều độ.
Khi gặp các triệu chứng của bệnh viêm xoang không nên tự tiện điều trị bằng những mẹo dân gian như uống nước mật ong, nhỏ tỏi vào mũi… hoặc tự ý dùng kháng sinh, các loại thuốc xịt mũi không theo bất kỳ sự chỉ định nào của bác sĩ. Không ít trường hợp "tiền mất tật mang", bị loét, nhiễm trùng xoang mũi và làm nặng thêm tình trạng viêm xoang mãn tính.
Đồng thời, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc các yếu tố làm nặng thêm tình trạng viêm xoang như khói bụi ô nhiễm, khói thuốc lá, các hóa chất độc hại… và vận động thường xuyên để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nên đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, giữ gìn vệ sinh tai mũi họng và chủ động ngăn ngừa bệnh viêm xoang ngay từ sớm để tránh mãn tính.
Theo Giadinh.net.vn