Vết thương được cho là bị bọ xít hút máu người gây ra. Ảnh: TL
Nhiều địa bàn bị tấn công
Ở Hà Nội, những ngày qua, nhiều người đã tới Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật để hỏi về cách sơ cứu khi bị loại bọ xít này tấn công. Anh Hồ Hữu Tuấn (ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị bọ xít hút máu người tấn công và hiện đang rất hoang mang không biết cách tiêu diệt loại côn trùng này như thế nào. “Chúng “nấp” ở đâu đó rồi đêm leo lên giường đốt. Mình không biết đường nào mà tránh”, anh Tuấn cho biết. Trước đó, anh Bùi Minh Hoàng (trú tại đường Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) lúc đi ngủ đã phát hiện một con bọ xít hút máu bò ngay trên đùi. Ngoài con bọ xít này, anh Hoàng tiếp tục phát hiện thêm 2 con bọ xít nữa bò trên góc tường.
Ở Bắc Ninh, tháng trước theo nguồn tin từ huyện Yên Phong, một số người dân của địa phương đã phát hiện thấy bọ xít hút máu người. Mới đây, anh Nguyễn Quốc Huy (ở TP Bắc Ninh) phát hiện trong nhà mình có 2 cá thể côn trùng có độ dài hơn 2cm, rìa thân có sọc vàng nâu đặc trưng của loài bọ xít hút máu người, khiến gia đình anh và hàng xóm hết sức hoang mang lo ngại.
Ở TP Vinh (Nghệ An), một số hộ dân cũng cho biết họ bị bọ xít cắn hoặc phát hiện được các ổ bọ xít hút máu người. Anh Nguyễn Văn Toàn (ở phường Trung Đô, TP Vinh) kể rằng phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu, “Sáng hôm đó, con gái tôi ngủ dậy thì thấy chân trái sưng đỏ không rõ nguyên nhân. Tôi vội cho con tới Trung tâm Y tế phường. Trưa về nhà thì phát hiện ra có bọ xít. Mấy hôm trước, có người nhà ở quê cũng nói là có bọ xít hút máu người. Tôi cứ tưởng vào mùa gặt ở quê mới có, không ngờ ở thành phố cũng có”, anh Toàn cho biết.
PGS.TS Nguyễn Văn Châu, chuyên gia đầu ngành về côn trùng của Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương cho biết:
“Đến nay, chưa có cơ sở khẳng định rằng loại côn trùng này truyền bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Thực tế đã có những trường hợp người dân bị bọ xít đốt nhưng sức khỏe sau đó hoàn toàn bình thường, không ai bị bệnh”.
Theo Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, ổ bọ xít hút máu người thường sinh sống ở những khu vực ẩm thấp, bỏ hoang, có vải vụn hoặc gỗ mục và có nhiều chuột. Tuy nhiên qua thực tế, bọ xít hút máu người nay đã phát tán ra khắp Hà Nội và một số địa phương khác, gây ra nhiều lo ngại. Những nơi có môi trường sạch sẽ như khu chung cư cao cấp cũng đã xuất hiện loại bọ xít này. Theo nghiên cứu của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, trước đây thời gian phát tán loại bọ xít này thường bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 thì nay xuất hiện từ tháng 5 và có thể kéo dài tới tháng 9.
Rộ “ăn theo bọ xít”
Hoang mang trước việc xuất hiện bọ xít hút máu người, tại Hà Nội, người dân đã vội vã tìm cách phòng trừ loại côn trùng này. Thuốc diệt côn trùng một lần được bán chạy như tôm tươi.
Chị Hoàng Thị Hằng (ở Thanh Oai, Thanh Trì) cho biết: “Thông tin có bọ xít hút máu xuất hiện ngày càng nhiều và ở nhiều quận của Hà Nội. Để đề phòng, tôi đã cho phun thuốc”. Hỏi về loại thuốc mà nhà chị đã phun, chị Hằng mô tả: “Nó hơi mùi và tới tận ngày hôm sau, mọi người vẫn có cảm giác ngột ngạt vì mùi khó chịu”.
Điều đáng nói, đồng hành với việc nhiều thông tin trên mạng về việc bọ xít hút máu người xuất hiện, gần như ngay lập tức, trên các website rao vặt miễn phí, một số đơn vị tư nhân, các cá nhân cũng nhân cơ hội này mở dịch vụ “ăn theo” khắp toàn quốc.
Trên mạng xã hội, một số cửa hàng online đã nhanh chân rao bán thuốc diệt côn trùng giao tại nhà. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, những loại thuốc xịt, phun được cho là có thể tiêu diệt bọ xít hút máu và được quảng cáo có tác dụng 6 tháng – 1 năm, tùy vào điều kiện ẩm thấp hay khô ráo. Giá đưa ra là 1,8 triệu đồng/100m2 xịt, phun, có thể ưu ái giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/100m2. Có cả dịch vụ phun nếu chủ nhà có nhu cầu.
Thị trường thuốc diệt côn trùng bán lẻ cũng nhộn nhịp không kém. Ở đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) đoạn gần Ngã Tư Vọng, khách chưa kịp hỏi, các chủ cửa hàng niềm nở mời chào, giới thiệu đủ các loại thuốc diệt bọ xít hút máu người, đa dạng về mẫu mã và giá cả. Có khá nhiều loại thuốc để khách hàng lựa chọn. Hai sản phẩm thuộc loại “đắt tiền” là Fendona, xuất xứ từ Pháp, loại 1 lít, giá bán 850.000 đồng, nếu bao gồm cả dịch vụ phun xịt sẽ mất ngót 2 triệu đồng. Một loại khác nữa là chai thuốc Icon của Bỉ, loại 1 lít, giá bán 500.000 đồng, nếu phun, tổng cộng 1,5 triệu đồng. Loại rẻ nhất trên các cửa hàng này có giá giao động từ 4.000- 5.000 đồng/gói.
Trên thực tế, phun thuốc phòng trừ những bọ xít hút máu có nguy cơ gây những tác hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khi phát hiện có bọ xít trong nhà, người dân hãy dùng biện pháp thủ công để bắt và báo với cơ quan chức năng tới xử lý.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cách tránh bị bọ xít hút máu đốt
Bọ xít hút máu là loài côn trùng đã được phát hiện nhiều năm tại Việt Nam và ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước. Người bị bọ xít đốt có thể bị sưng, ngứa tại chỗ đốt, một số trường hợp có thể bị bội nhiễm gây viêm da.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Hiện nay, chưa phát hiện bọ xít hút máu truyền bệnh sang người. Tuy nhiên để tránh bị bọ xít hút máu đốt, người dân nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp; Loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng; Thường xuyên nằm ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào; Khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt; Nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Đặc biệt, không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.
giadinh.net.vn