Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học năm 2017 với dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tức điểm sàn Đại học sau 12 năm áp dụng. Thông tin này khiến nhiều cán bộ Y tế “sốc” về việc "thả cửa" ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các Trường Đại học khiến các Trường ĐH đa ngành không chuyên đào tạo nhóm ngành Sức khoẻ nhưng đã được cấp phép đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ, Xét Nghiệm…trình độ Đại học tha hồ dưới "vơ vét" thí sinh mà không cần đến chất lượng nguồn xét tuyển.
Điểm sàn là gì? Bỏ điểm sàn đối với nhóm ngành Y Dược có hợp lý?
Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các Trường Đại học Y khoa nhận phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng của thí sinh được áp dụng từ năm 2004. Căn cứ điểm sàn ĐH của Bộ GD&ĐT, các Trường Đại học Y Dược đưa ra mức điểm tối thiểu để nhận Hồ sơ xét tuyển nhưng không được thấp hơn điểm sàn quy định. Thí sinh trúng tuyển phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển vào các Trường Đại học Y tế. Năm 2015, Bộ GD&ĐT ấn định điểm sàn đại học là 15 điểm và cao đẳng 12 điểm.
Theo các chuyên gia Y tế, nhìn chung quy định bỏ điểm sàn ĐH sẽ không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh đầu vào của các Trường Đại học Y Dược – Bộ Y tế vì điểm trúng tuyển hàng năm thông thường đều rất cao. Nhóm Trường Đại học Y Dược thuộc Bộ Y tế quản lý chặt chẽ nên không có chuyện “vơ bèo vạt tép” để tuyển thí sinh. Việc bỏ điểm sàn ĐH năm 2017 chỉ tạo cơ hội để các Trường ĐH đa ngành có mã ngành Y Dược hạ điểm chuẩn, tuyển sinh ồ ạt. Mà đào tạo Y Dược là ngành nghề hết sức đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến sức khoẻ tính mạng của người bệnh. Bỏ điểm sàn Đại học sẽ dẫn đến hệ quả một số Trường ĐH chỉ yêu cầu các thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT là có thể đăng ký vào hệ ĐH Y Dược để đào tạo thành Bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân sau khi ra trường.
Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), hiện tại sinh viên học Y khoa sau 6 năm ra trường đã có thể hành nghề bác sĩ. Sau đó, họ học thêm chuyên khoa I, chuyên khoa II.
Tuy nhiên, hệ thống đào tạo Bác sĩ ở Việt Nam hiện tồn tại 2 hệ thống song song Trường công do Nhà nước thành lập thường là do Bộ Y tế quản lý và Trường tư do một số tổ chức hoặc cá nhân đầu tư thành lập. Năm 2015, dư luận xã hội xôn xao về việc một Trường ĐH chuyên đào tạo Cử nhân kinh tế nhảy sang mở mã ngành đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ Đại học. Thậm chí chưa được phép tuyển sinh đã tuyển sinh đào tạo với điểm đầu vào thấp khiến cả xã hội lo lắng về sức khoẻ của mình nhỡ không may được Bác sĩ “X” học Trường “Y” khám chữa thì….
Một số Trường hiện ủng hộ phương án bỏ điểm sàn ĐH có tư duy "mở đầu vào, siết chặt đầu ra" nhưng đối với các Trường ĐH tư thục đang khó khăn trong việc vật lộn để tồn tại thì mở đầu vào là “có đất sống”. ĐH tư thục sống bằng học phí vì không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ nên nếu “siết chặt” chất lượng trong quá trình đào tạo thì sinh viên sẽ bỏ, mà bỏ thì mất nguồn thu đe doạ đến sự tồn vong của Trường. Trên thực tế, điểm sàn là “rào cản” ngăn những thí sinh học lực kém cố vào đại học bằng mọi giá làm tăng gánh nặng cho gia đình nhưng sẽ “gây nguy hiểm” cho xã hội nếu học nhóm ngành Sức khoẻ.
Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi và bỏ điểm sàn đại học năm 2017. Chất lượng đầu vào Đại học ngành Y đa khoa, Dược sĩ thấp dẫn tới chất lượng đầu ra kém tạo tiềm ẩn nguy cơ đối với người bệnh khi phải đi “khám Bác sĩ”.
HX (Theo Giadinhvietnam.com)