Một cô gái có tên Ashley Hyde ở Nam Florida (Mỹ) đã phải nhập viện khẩn cấp sau khi thấy mắt bị ngứa. Cô cho biết mắt mình ngoài ngứa còn có những cơn đau nhói và buốt vào đến tận óc. Và Ashley Hyde đã rất sửng sốt khi bác sĩ thông báo rằng mắt cô bị nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba.
Bác sĩ cho biết, ký sinh trùng Acanthamoeba có kích thước cực nhỏ và thường có trong nước máy, bụi bẩn, nước biển, hồ bơi và cả vòi hoa sen… Ở điều kiện thường, nó khó có thể bám và gây bệnh cho mắt nhưng khi có kính áp tròng làm "điểm tựa", chúng sẽ bám vào và sinh trưởng rất nhanh. Thậm chí ký sinh trùng này có thể lây lan làm giác mạc bị bào mòn nhanh chóng.
Kính áp trong có chu kì vệ sinh vô cùng nghiêm ngặt và cẩn thận. Một chút bất cẩn và lười biếng sẽ có thể khiến bạn phải trả giá bằng cả đôi mắt của mình.
Trước đó một nam sinh viên đại học 20 tuổi ở Đài Loan cũng thường xuyên đeo kính áp tròng. Nhưng nam sinh này lại quá lười khi vệ sinh kính áp tròng, cậu chỉ rửa sạch bằng nước máy. Kết quả, mắt của nam sinh 20 tuổi bị loét giác mạc, ký sinh trùng bò lúc nhúc trong mắt... cuối cùng phải chấp nhận cấy ghép giác mạc.
Hình ảnh mắt bị ký sinh trùng tấn công
Và dưới đây là cách vệ sinh kính áp tròng:
Sử dụng tay để vệ sinh
Làm sạch kính chính là loại bỏ tất cả những tác nhân dơ bẩn trên bề mặt. Bạn xịt một ít dung dịch rửa kính hoặc dung dịch rửa đa chức năng vào lòng bàn tay. Sau đó đặt ống kính vào lòng bàn tay rồi dùng ngón tay trỏ nhẹ nhàng chà xát lên bề mặt kính.
Sau khi chà xát xong, rửa lại chúng bằng dung dịch làm sạch một lần nữa.
Sử dụng đúng loại dung dịch vệ sinh của hãng
Bởi vì các loại nhãn hàng khác nhau sẽ đưa ra những dung dịch vệ sinh khác nhau. Vì vậy nếu sử dụng loại dung dịch khác có thể khiến các phản ứng hóa học không mong muốn xảy ra, làm hư hại kính cũng như mắt của bạn.
Để ý hạn sử dụng của các dung dịch vệ sinh
Tất cả các dung dịch vệ sinh đều có hạn sử dụng và tốt nhất không nên sử dụng các dung dịch vệ sinh này quá một tháng sau khi mở hộp.
Ngâm kính áp tròng qua dung dịch nước muối sinh lý trước khi đeo
Bởi các dung dịch vệ sinh khác đều là có chứa các chất hóa học và khi đeo trực tiếp lên mắt có thể gây dị ứng. Tốt nhất hãy ngâm kính áp tròng vào nước muối sinh lý trước khi sử dụng để nó tiệt trùng các chất hóa học có thể gây hại cho mắt.
Thấy bất kì dấu hiệu gì từ mắt cũng nên loại bỏ kính áp tròng
Nếu mắt bị đỏ, chói mắt khi nhìn vào ánh sáng mặt trời, chảy nước mắt và đau nhức khó chịu thì hãy bỏ kính áp tròng này ngay lập tức và đến bác sĩ để kiểm tra.
Hãy vệ sinh kính áp tròng mỗi ngày
Mỗi ngày khi trở về nhà hãy vệ sinh sạch sẽ và bảo quản kính áp tròng một cách cẩn thận. Tốt nhất không nên đặt chúng trong nhà tắm bởi vì không khí ẩm có thể gây ẩm mốc.
Một số lưu ý khi sử dụng kính áp tròng:
- Không nên đeo kính áp tròng trong phòng lạnh vì nó sẽ làm khô mắt, thiếu oxy giác mạc, phù nề... và trường hợp xấu sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
- Bất kì lúc nào thấy có biểu hiện khó chịu khi đeo kính thì hãy tháo ra trong khoảng 24h và đeo lại. Nếu không thấy thuyên giảm thì hãy đến bác sĩ để nhận được sự tư vấn cần thiết.
- Không nên đeo kính áp tròng quá 8 tiếng mỗi ngày.
- Giảm thời gian nhìn vào máy tính và các thiết bị công nghệ để tránh những biến chứng có thể xảy ra cho mắt.
Hạ Tú (Theo Giadinhvietnam.com)