Dễ nhầm lẫn, nhanh hoại tử
Bệnh nhân Vũ Đình Hải (54 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, chân trái phù nề như bắp chuối, vết lở loét ở gan bàn chân rộng, nhìn thấy cả xương. Bác sĩ chẩn đoán động mạch ngoại biên của ông Hải bị hẹp tới 99% nên máu không lưu thông xuống chân được, có thể phải tháo khớp chân để bảo toàn tính mạng. May mắn thay, sau đó ông được điều trị thành công bằng phương pháp tái thông mạch máu bằng can thiệp nội mạch qua ống. Hiện tại, chân trái của ông đã dần ổn định lại, vết hoại tử đang se miệng. Hiện ông tiếp tục điều trị chân phải bằng phương pháp này với hy vọng sẽ đi lại bình thường như trước.
Ông Hải cho biết, cuối năm 2012, ông phát hiện bàn chân trái bị hoại tử. Lúc đầu vết thương chỉ bằng hạt đỗ, ban đầu cứ nghĩ là do biến chứng của tiểu đường nên ông cũng chủ quan, chỉ lau rửa hằng ngày. Nhưng khoảng một tháng sau, chân ông bắt đầu mất cảm giác, véo mạnh cũng không đau và thấy lạnh toát vào ban đêm. Thậm chí, giữa mùa hè mà đắp mấy cái chăn vẫn cứ thấy lạnh như sốt rét... “Khi tôi nhập viện, không ai tin tôi sẽ qua khỏi, thậm chí gia đình đã sang Gia Lâm mua đất, khắc bia đá... chuẩn bị lo hậu sự”, ông Hải chia sẻ.
Phẫu thuật điều trị bệnh động mạch ngoại biên
Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Văn Hộ (66 tuổi, ở Cao Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh) chuyển đến Bệnh viện 103 trong tình trạng huyết áp tăng cao, chân trái tê đau, bàn chân thâm tím lạnh toát, gót chân bị lở loét, không đi lại được. Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Tim mạch với chẩn đoán tắc động mạch chi dưới. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ siêu âm mạch máu và chụp động mạch chủ bụng và động mạch chi, phát hiện động mạch chậu, động mạch chi dưới có nhiều nốt xơ vữa, dòng máu chảy chậm... Vì vậy, bệnh nhân được chỉ định nong, đặt stent động mạch chậu, động mạch đùi. Sau 2 giờ đồng hồ tiến hành can thiệp mạch, máu đã lưu thông xuống chi dưới khiến bàn chân có dấu hiệu ấm trở lại. Tiếp tục điều trị tích cực trong thời gian gần một tháng, bệnh nhân ra viện với chỗ loét đang liền, bàn chân hết thâm tím và đi lại dễ dàng.
Bệnh nhân Hộ cho biết, ông đã đi khám cả Đông lẫn Tây y, nhưng nơi thì bảo bị thoát vị đĩa đệm, nơi thì bảo bị liệt thần kinh rồi kê thuốc về uống. Nhưng uống mãi chân không khỏi, đã vậy còn bị lở loét bốc mùi rất khó chịu. Tiếp tục đi khám, ông được chẩn đoán bị tắc mạch. Với chứng bệnh này, nhiều người đành phải cắt bỏ chân để bảo toàn tính mạng. Thấy vậy, con trai ông đã đưa bố lên Viện Bỏng Quốc gia rồi chuyển sang Bệnh viện 103.
Nguy cơ bị đột quỵ
Bác sĩ Bùi Long - Phó chủ nhiệm Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Triệu chứng bệnh của các bệnh nhân trên gọi là bệnh mạch máu ngoại biên, một bệnh của các mạch máu ngoài tim và não. Các mạch máu này thường bị hẹp hoặc tắc, nguyên nhân là do xơ vữa động mạch, dẫn tới thiếu máu cho các cơ quan như thận, các chi của cơ thể. Bệnh động mạch ngoại biên thường gặp ở người cao tuổi, những người bị bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp. Nếu không phát hiện sớm để điều trị sẽ dẫn đến hoại tử đầu chi, thậm chí phải tháo khớp hoặc cắt cụt chân tay.
Với động mạch thận bị tắc, sẽ khiến thận bị suy vì không được cấp đủ máu. Nguy hiểm hơn, người mắc bệnh động mạch ngoại biên thường bị xơ vữa ở động mạch vành và động mạch não. Do đó, họ có nguy cơ tử vong rất cao do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. “Ở nước ta vẫn chưa có điều tra, thống kê cụ thể về số người mắc bệnh động mạch ngoại biên nhưng bệnh này có nguy cơ gia tăng khi nước ta già hóa dân số”, bác sĩ Long cảnh báo.
Theo một khảo sát nhỏ của các bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện 103, bệnh mạch máu ngoại biên ngày càng có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh này gia tăng là do số người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu... ngày càng nhiều. Đây là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh mạch máu ngoại biên. Đặc biệt, hút thuốc lá hoặc hút thuốc lào nhiều thì nguy cơ mắc bệnh mạch máu ngoại biên rất cao.
TS Nguyễn Oanh Oanh, Chủ nhiệm Khoa Tim mạch, Bệnh viện 103 nhận định: Nguyên nhân ngoài việc hạn chế về hiểu biết và sự chủ quan của người bệnh, phải kể đến sự thiếu kinh nghiệm cũng như trang thiết bị chuyên sâu ở các tuyến cơ sở. Bởi lẽ, bệnh mạch máu ngoại biên có nhiều triệu chứng lâm sàng giống với một số bệnh như thần kinh, thoát vị đĩa đệm... Vì vậy, để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên, ngoài việc bác sĩ chuyên khoa hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng thì bệnh nhân phải làm siêu âm mạch máu, chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRI) hoặc chụp cắt lớp điện toán (MSCT) mạch máu và chụp mạch máu cản quang (DSA), để tìm chính xác vị trí tắc mạch.
Cũng theo TS Oanh, nếu không may mắc bệnh, người bệnh cần phải điều trị kết hợp bằng thay đổi lối sống như ngưng hút thuốc lá; kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, kiểm soát tốt bệnh huyết áp, hoạt động thể lực đều đặn, chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol; hoặc điều trị bằng các loại thuốc làm cải thiện triệu chứng như: cilostazone, pentoifylline; thuốc chống kết tập tiểu cầu như apirin, clopidorgel; Thuốc hạ cholesterol máu như statin... hoặc phải điều trị kết hợp cả hai phương pháp trên.
Hiện nay, ngoài Bệnh viện 103, một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Hữu Nghị, Bạch Mai... cũng đã chú ý điều trị căn bệnh này. Tái thông mạch máu cho bệnh nhân bị động mạch ngoại biên bằng cách can thiệp nội mạch qua ống được xem là phương pháp hiện đại nhất hiện nay. Với cách này, bệnh nhân không cần phải mổ mà tỷ lệ thành công lên tới hơn 80%. Tuy nhiên, stent được đưa vào chỗ bị tắc mạch cho bệnh nhân hiện có 2 loại: Một loại có tên gọi là nhớ hình, loại còn lại gọi là không nhớ hình. Mặc dù cả hai loại đều được cấu tạo bằng kim loại, nhưng loại không nhớ hình khi đưa vào động mạch, bệnh nhân sẽ phải hạn chế vận động và va chạm; nếu không, khi bị va chạm thì stent này sẽ bị biến dạng gập lại... gây khó khăn cho việc lưu thông máu. Với loại stent nhớ hình, khi bị tác động hay va chạm, stent sẽ biến dạng nhưng sau đó lại trở về hình dạng ban đầu.
Bác sĩ Bùi Long, Phó chủ nhiệm KhoaTim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: "Hiện nay, người dân có thể phát hiện bệnh động mạch ngoại biên từ khi chưa xuất hiện triệu chứng gì thông qua chụp mạch máu bằng máy chụp mạch số hóa. Người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán 100% khi sử dụng máy tại Bệnh viện Hữu Nghị”.
Theo Petrotimes.vn