Cây hoang dại, tác dụng thần kỳ
Những ngôi nhà được xây bằng tường đất trong thôn Nà Hán nằm lấp ló sau những rặng tre dọc con sông Kỳ Cùng. Vừa vào đến đầu xã hỏi tên bà lão chữa được bệnh vô sinh thì từ trẻ đến già ai cũng biết. Một phụ nữ đang giặt quần áo ở sông Kỳ Cùng nhanh nhảu chỉ đường cho chúng tôi: “Ai chứ nhà bà Bình thần y chữa bệnh vô sinh ở vùng này thì ai chả biết. Các chú cứ qua khỏi bờ sông này, phía sau rặng tre kia chính là nhà của “thần y” đấy”. Thì ra, người dân trong vùng đặt biệt danh cho bà lang này bằng một cái tên đầy vẻ ngưỡng mộ và khâm phục là “thần y chữa vô sinh”.
Bà lão có khuôn mặt phúc hậu ban đầu giãy nảy khi biết ý định của chúng tôi: “Tôi chỉ chữa làm phúc, không lấy tiền của ai, mà bài thuốc là tổ tiên truyền lại nên có công lao gì đầu mà lên báo”. Phải đến khi được thuyết phục là biết đâu bài thuốc của bà có thể sẽ mang đến nhiều niềm vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, bà mới từ tốn kể câu chuyện về mình.
Bà lão cho biết đây là bài thuốc gia truyền, được mẹ đẻ bà truyền lại. Bà có bảy chị em gái và là người được mẹ yêu quý nhất nên truyền lại công thức bí truyền. “Từ khi biết bài thuốc này, tôi đã chữa cho rất nhiều trường hợp vô sinh có con.
Tôi không nhớ cụ thể là bao nhiêu trường hợp, nhưng có lẽ phải hàng trăm đứa trẻ”, bà lão cười móm mém. Bài thuốc của bà dành cho cả nam và nữ với công thức chữa trị khác nhau. Điều đặc biệt là nguyên liệu để chế bài thuốc này cực kỳ đơn giản. Đối với người nam chỉ cần hai loại cây thuốc, với người nữ là 3 loại cây thuốc và tất cả những loại cây này đều có ở trong rừng tự nhiên.
Đối với bài thuốc dành cho nam giới, nguyên liệu chính gồm 2 loại thuốc là củ cây Khẩu dân (tên gọi theo tiếng Tày, nếu dịch ra tiếng Việt nghĩa là cơm nguội) và một loại rễ cây ở rừng. Củ Khẩu dân với loại rễ cây trong rừng được rửa sạch, giã nát rồi đem ngâm với một lít rượu, để trong một tuần thì bắt đầu sử dụng. Mỗi sáng sớm người đàn ông uống từ 1-2 ly rượu, đồng thời mút một quả trứng gà sống mới đẻ. Mỗi thang thuốc chữa vô sinh của bà Hậu có khoảng 5-6 củ Khẩu dân và một nắm rễ cây rừng.
Bà lão lưu ý: “Tất cả những nguyên liệu này phải còn tươi mới hái xong, nếu để 3-4 ngày thuốc khô là không còn tác dụng. Ngoài ra, rượu ngâm thuốc phải là rượu làng, rượu bản được nấu từ gạo chứ các loại rượu công nghiệp nhiều cồn sẽ làm cho bài thuốc không có tác dụng”.
Trong bài thuốc chữa vô sinh cho nam, cây Khẩu dân thuộc loại cây hiếm, khó tìm trên rừng nên mỗi khi vào rừng, thấy cây này là bà lại đem về trồng luôn trong vườn để mỗi khi có người đến xin thuốc thì không phải lặn lội mất thời gian đi tìm.
Đối với bài thuốc dành cho nữ giới, nguyên liệu gồm có ba loại cây thuốc kết hợp, trong đó một loại là cây nghệ đen và hai loại củ tìm ở trong rừng. Bài thuốc được bà Hậu hướng dẫn chế biến như sau: Cây lá được hái khi còn tươi, mang về rửa sạch rồi giã nát, sắc nhỏ. Thịt một con gà nhỏ khoảng 5-6 lạng. Thuốc, gia vị, gà được cho vào một cái nồi nhỏ rồi hầm cách thủy. Từ khoảng 12h đêm bắt đầu hầm cách thủy, cho đến 4h sáng thì dậy ăn. Chú ý là nên ăn hết cả thuốc và con gà. “Ăn vào khoảng sáng sớm là bài thuốc có tác dụng nhất, vì khi ấy tinh thần thoải mái, cơ thể dễ tiêu hóa”, bà lão nói.
“Chỉ cần dùng vài thang thuốc là đã có kết quả cho cả nam và nữ. Nếu người nào dùng đến 4 thang thuốc mà chưa hiệu nghiệm thì coi như máu người đó không phù hợp với loại thuốc này. Từ trước đến nay có khoảng 80% những người vô sinh dùng bài thuốc này điều hiệu nghiệm”, bà lão quả quyết.
Chỉ làm phúc, không lấy tiền
Chưa thật sự tin vào hiệu quả từ bài thuốc chữa vô sinh của bà lão, chúng tôi đã tìm đến ông Hoàng Văn Ninh, Trưởng trạm y tế xã Gia Cát để xác minh thông tin. Vị Trưởng trạm y tế xã cho biết, bà Hậu là thành viên của hội thuốc nam trong xã, nổi tiếng trong khu vực là người giữ bí quyết gia truyền bài thuốc chữa vô sinh. “Từ trước đến nay, ở trong vùng này hầu như cứ ai bị vô sinh là tìm đến đây và với đa số người hiếm muộn con, bài thuốc của bà lão điều có hiệu nghiệm”, ông Ninh cho biết.
Tiếp tục kiểm chứng sự việc, chúng tôi tìm đến gia đình anh Dương Văn Chuyên (40 tuổi, người trong xã Gia Cát) là người trước đây hiếm muộn nhưng nhờ bài thuốc này mà giờ vợ chồng anh có hai đứa con, một trai một gái kháu khỉnh. Anh cho biết, anh với vợ sau ngày cưới đến sáu năm mà vẫn không thấy vợ mang bầu. Ngày đó dù biết trong làng có bà Hậu là người nắm bài thuốc chữa vô sinh nhưng “Bụt chùa nhà không thiêng”, để chắc chắn hơn anh đã đến bệnh viện và thử đủ các loại thuốc tây nhưng cuối cùng không hiệu quả. Đường cùng, anh mới đến bà Hậu để xin thang thuốc chữa vô sinh.
“Mỗi sáng tôi uống hai chén rượu thuốc của bà lão thì thấy trong người hừng hực, nóng bừng. Sau một tuần tôi thấy người mình khỏe khoắn lạ thường”, anh nhớ lại cảm giác khi uống loại rượu ngâm những rễ cây lạ. Hai tháng sau khi dùng bài thuốc, vợ anh Chuyên đã có bầu. “Tổ ấm chúng tôi hạnh phúc được như bây giờ là nhờ công lớn từ bài thuốc của bà lão”, anh Chuyên nói. Anh phỏng đoán: “Có lẽ bài thuốc có một chất kích thích nào đó tác dụng cực mạnh khiến người uống cảm thấy hưng phấn hơn”.
Đối với “thần y” Hoàng Thị Hậu, niềm hạnh phúc lớn nhất của bà lão là trao quyền làm bố, làm mẹ cho những ông chồng, bà vợ hiếm muộn con. Cũng bởi thế mà dù bài thuốc của bà có tác dụng như vậy nhưng hoàn toàn miễn phí, bà không hề lấy tiền mỗi khi bốc thuốc cho ai, làm công việc đó tự nguyện mà không đòi hỏi lợi ích gì. “Tôi chỉ làm phúc thôi, không bán lấy tiền. Ai cần thuốc tìm đến thì tôi lên rừng hái cho họ. Tôi cũng là một người mẹ nên tôi hiểu cảm giác một người phụ nữ không có con đau khổ như thế nào. Giúp được cho họ được làm bố làm mẹ là tôi thấy vui rồi, bởi thấy mình đã làm được việc có ích”, bà Hậu nói.
Ngừng lại một lúc, bà lão lại hớn hở hấp háy đôi mắt: “Giờ già rồi nhưng tôi cảm thấy sướng, vì ngoài con cái ruột rà trong gia đình ra, tôi có hàng trăm đứa con nuôi khác. Ở vùng này, cứ vợ chồng nào nhờ bài thuốc của tôi mà có con là khi sinh con ra họ đều nhận tôi làm mẹ nuôi. Sướng nhất là ở bốn phương đều có con cái của mình”.
Thật khó tin là giữa thời buổi kinh tế thị trường nhiều người coi trọng đồng tiền, lại có bà lão chữa bệnh tài tình mà không hề lấy một đồng tiền công. Thế nhưng những thông tin bà lão nói đều được vị trạm trưởng y tế xác nhận. Mà nhìn lại ngôi nhà bà lão đang sống, chúng tôi mới thấy áy náy với bản thân vì đã vội nghi ngờ bà: Gian nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá, chiếc giường đơn sơ với vài chiếc túi ni lon đựng quần áo của bà được xếp gọn gàng.
Hỏi bà sao không lấy chút tiền của người bệnh vì bà xứng đáng được thế, bà lại móm mém cười: “Chỉ là cây rừng nên đâu có mất tiền. Mà bà già rồi, làm phúc là vui chứ tiền bạc làm gì nữa”.
Pháp Luật Thời Đại