Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.Đ.C (35 tuổi) ở Cửa Lò, Nghệ An nhập viện trong tình trạng sốt, đau thượng vị, dạ dày bị tổn thương, rối loạn tiêu hoá.
Trước đó bệnh nhân có nằm tại bệnh viện tỉnh khoảng 15 ngày. Trong thời gian điều trị, thường xuyên bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị đau dạ dày và cho chuyển viện.
Theo bác sỹ Thọ, sán lá gan ở giai đoạn trưởng thành sẽ gây ổ mủ trong gan
Bác sĩ Trần Hữu Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương cho biết, bệnh nhân C nhập viện với các triệu chứng rất điển hình của bệnh sán lá gan lớn.
Kết quá xét nghiệm cho thấy thông số bạch cầu ái toan tăng cao 70%. Kiểm tra máu bằng kỹ thuật miễn dịch tìm thấy kháng thể sán lá gan lớn trong huyết thanh. Ngoài ra còn tìm thấy trứng ấu trùng sán lá gan trong phân.
Điều trị tại viện được hơn một tuần nay, sức khoẻ đã ổn định hơn, bệnh nhân C. cho biết, thường có thói quen ăn phở bò tái kèm rau sống vào mỗi buổi sáng.
Bác sĩ Thọ cảnh báo, nhiều người Việt hiện nay có thói quen ăn thịt bò, phở bò, lẩu bò tái mà không biết rằng đây chính là nguy cơ nhiễm bệnh do ấu trùng sán lá gan dễ dàng xâm nhập trực tiếp vào cơ thể.
Bác sỹ Thọ khuyến người bệnh cần ý thức hơn trong vấn đề ăn những thức ăn tái, sống
Theo bác sĩ Thọ, sán lá gan thường ký sinh ở gan và đường mật của những động vật ăn cỏ, trâu bò, dê… Khi nhóm động vật này thải phân ra ngoài, ấu trùng trứng sán lá gan sẽ phát triển ở ngoài không khí, một số sống trong môi trường nước, bám vào các cây rau sống ở dưới nước như rau ngổ, rau muống,…
Trong khi con người ăn thịt bò, kèm với các loại rau sống này, thì khả nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. “Trong thịt bò tái có chứa các nang ấu trùng, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng di qua dạ dày, tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan. Ấu trùng đục thủng bao gan chui vào nhu mô gan để sinh trưởng và tiết ra các chất độc phá huỷ nhu mô gan, gây cảm giác đau bụng, đau vùng rốn, và gây tắc đường ruột”. Bác sỹ Thọ lưu ý.
Bác sỹ Thọ cũng cho biết thói quen ăn lẩu cũng là một trong những nguy cơ nhiễm sán lá gan tăng cao. Vì đi kèm với những nồi lẩu là rất nhiều loại rau sống như rau muống, rau cần, rau ngổ… Khi người một người nhúng thức trong nhiệt độ nước chưa kịp sôi đồng nghĩa với việc nang ấu trùng chưa bị tiêu diệt. Các ấu trùng này sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng.
Bác sỹ Thọ kể, Viện cũng đã điều chữa trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm sán lá gan tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vì những tỉnh này, theo tập tục, thói quen họ hay ăn những rau trồng dưới nước, như rau cần, rau ngổ, ngó sen... Đối với "dân nhậu" thì đây là những món khoái khẩu nhưng không biết rằng những loại rau sống dưới nước này là nơi ký sinh của ấu trùng sán lá gan.
Bác sỹ Thọ chia sẻ, trước đây viện cũng có những bệnh nhân nhập trong tình trạng sán lá gan đã ở giai đoạn trưởng thành, gây tắc nghẽn ruột, nhu mô gan bị tổn thương nặng nề. Bệnh nhân đến bệnh viện K khám, bác sỹ nghi ngờ là ung thư gan cho chuyển viện, nhưng khi về Viện sốt rét ký sinh trùng xét nghiệm lại là sán lá gan lớn. Bệnh nhân này ban đầu không đi được vì sán lá gan tạo thành ổ áp se gan, là ổ mủ rải rác trong gan gây đau và suy nhược cơ thể.
“Nhiều trường hợp bị nhiễm sán lá gan, Bệnh viện K nghi ngờ là ung thư gan nhưng họ vẫn gửi mẫu đến Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương xét nghiệm để đưa ra kết luận cuối cùng, thì lại phát hiện là sán lá gan”. Bác sĩ Thọ cho biết.
Bệnh ký sinh trùng do sán lá gan gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh, đặc biệt là gây rối loạn đường tiêu hoá. Nếu ký ấu trùng ký sinh lâu trong cơ thể sẽ bào mòn hết những vi chất dinh dưỡng, làm cho cơ thể không hấp thụ được thức ăn, lâu dài dẫn đến suy kiệt. Nặng có thể nguy kịch đến tính mạng. Vì vậy, người dân không nên chủ quan với canh bệnh này, khi phát hiện đau bụng bất thường, chán ăn, thường xuyên buồn nôn và đi ngoài liên tục cần đến ngay các cơ sở aukhám để điều trị kịp thời.
“Đối với các loại thức ăn, cần phải nấu chín, đun kỹ thì không bao giờ bị nhiễm bệnh. Quan trọng ý thức người dân là chính, cần phải thay đổi thói quen, phong tục tập quán, không ăn thức ăn tái, sống, rau sống, những thực phẩm chưa nấu chín. Trước khi ăn và sau khi đi ngoài cần vệ sinh và đặc biệt không nên uống nước lã.” Bác sỹ Thọ khuyến cáo.
Đời sống & Pháp luật