Ăn rau muống sau khi phẫu thuật sẽ gây sẹo lồi?
Đầu tiên, bạn có thể hiểu sẹo là một phần bắt buộc phải có trong quá trình lành vết thương ở con người mà chúng ta không thể tránh khỏi. Nó chính là quá trình cân bằng giữa ly giải, tổng hợp và sắp xếp lại các sợi collagen. Về mặt hình thái học, sẹo là cấu trúc mô thiếu sự tổ chức như tổ chức da bình thường xung quanh. Khi tăng sinh mô quá mức, sẹo sẽ dày lên và hình thành sẹo lồi.
Quan niệm ăn rau muống gây sẹo lồi cho người mới phẫu thuật hoặc có vết thương hở thật ra đến nay chỉ được lưu truyền theo kinh nghiệm dân gian. Về mặt khoa học, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào để khẳng định. Hơn nữa, bị sẹo lồi hay không còn liên quan đến cơ địa của từng người.
Làm gì để vết thương mau lành, ít sẹo?
Có nhiều nguyên nhân gây sẹo lồi, một trong số đó là do cơ địa của mỗi người. Bên cạnh đó, quá trình lành vết thương cũng ảnh hưởng tới việc để lại sẹo như nào. Chẳng hạn, vết thương lành tốt, nhanh thì sẹo càng nhỏ và ngược lại, nếu vết thương nhiễm trùng, viêm lâu sẽ lành và tạo sẹo xấu.
Trong quá trình lành sẹo, nếu bị dị ứng thức ăn dẫn tới phản ứng viêm toàn thân thì sẽ làm cho vết mổ dễ viêm nhiễm và lâu lành.
Để hạn chế tình trạng sẹo lồi, cơ thể cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Cụ thể, chất đạm và amino acide như cầu sẽ tăng hơn 20 - 50% so với mức bình thường.
Kẽm cũng là thành phần quan trọng cho cơ thể sau phẫu thuật. Đây là thành phần trong hơn 400 loại enzyme cho quá trình lành vết thương. Nhu cầu mỗi ngày khoảng 11 - 12mg.
Như vậy, việc bổ sung rau muống vào bữa ăn là hoàn toàn có thể. Không cần kiêng khem quá đà vì trong rau muống cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng.
Cụ thể, trong100 g rau muống chứa 3,2 g protein, 2,5 g carbohydrate, 1 g chất xơ, cung cấp năng lượng khoảng 23 Kcal. Ngoài ra còn có rất nhiều vitamin khoáng, chẳng hạn như capoten 2.280 mcg, vitamin B1 0,1 mg, B2 0,09 mg, PP 0,7mg, C 23 mg, canxi 100 mg, photpho 37 mg, natri 37 mg, sắt 1,4 mg, kali 331 mg, magie 15 mg, kẽm 0,35 mg, đồng 100 mcg…
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)