Lợi ích tuyệt vời từ rau mồng tơi
Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh và phòng ngừa nhiều bệnh lý thường gặp. Một số công dụng nổi bật gồm:
Thanh nhiệt, giải độc: Rau có tính mát, hỗ trợ làm dịu cơ thể khi bị nóng trong.
Nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa: Chất nhầy tự nhiên trong rau giúp phòng ngừa táo bón, đặc biệt có ích cho người ăn ít rau xanh hoặc thường xuyên bị nóng trong.
Rau mồng tơi là món ăn quen thuộc trong bữa cơm người Việt, tuy nhiên, không phải ai ăn cũng đều tốt (Ảnh minh họa)
Làm đẹp da: Rau giàu vitamin A, E giúp da sáng khỏe, hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa.
Hỗ trợ giảm cholesterol: Chất xơ và hoạt chất saponin giúp ngăn hấp thu cholesterol xấu trong máu.
Bảo vệ mắt: Beta-caroten và vitamin A trong rau giúp tăng cường thị lực và ngăn ngừa các bệnh về mắt.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt, rau mồng tơi lại có thể gây hại nếu không biết cách sử dụng phù hợp.
Hai nhóm người không nên ăn rau mồng tơi
1. Người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu
Rau mồng tơi chứa nhiều oxalat - chất có khả năng kết hợp với canxi tạo thành tinh thể sỏi trong thận và bàng quang. Việc ăn nhiều rau mồng tơi có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi hoặc khiến bệnh sỏi tái phát, trở nặng. Những người có tiền sử sỏi thận hoặc đang trong quá trình điều trị nên hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn loại rau này.
Ngoài mồng tơi, các loại rau như rau muống, rau dền, củ cải… cũng chứa nhiều oxalat và cần được cân nhắc kỹ trong thực đơn.
2. Người bị gout hoặc viêm khớp
Dù rau mồng tơi không phải thực phẩm giàu purin như thịt đỏ hay nội tạng, nhưng nó vẫn chứa một lượng purin nhất định. Khi vào cơ thể, purin chuyển hóa thành axit uric – chất gây ra bệnh gout.
Việc tiêu thụ rau mồng tơi với tần suất cao có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, từ đó kích hoạt các cơn đau khớp hoặc làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, món canh cua rau mồng tơi – món ăn phổ biến của nhiều gia đình – lại là sự kết hợp không nên có đối với người bị gout vì cả cua lẫn mồng tơi đều giàu purin.
Lưu ý khi sử dụng rau mồng tơi
Không ăn sống: Rau có chất nhầy, dễ bám bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu không được rửa sạch kỹ, việc ăn sống có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Ăn đúng liều lượng: Người khỏe mạnh chỉ nên ăn khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần, mỗi lần từ 100 – 200g.
Tránh ăn liên tục nhiều ngày: Có thể gây đầy bụng, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa, đặc biệt với người có cơ địa yếu.
Người tiêu chảy, lạnh bụng nên tránh ăn: Rau có tính hàn nên không phù hợp với người có hệ tiêu hóa kém.
Rửa sạch và ngâm nước muối trước khi nấu: Giúp loại bỏ bụi bẩn và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu có.
Trẻ em và người cao tuổi: Cần chế biến rau chín kỹ và ăn với lượng vừa phải.
Người mắc bệnh lý về khớp, thận hoặc gout: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa rau vào chế độ ăn.
Rau mồng tơi là món ăn bổ dưỡng và dễ chế biến, nhưng như nhiều thực phẩm khác, cần được sử dụng đúng cách, đúng người. Với những người có tiền sử bệnh sỏi thận hoặc gout, việc sử dụng rau mồng tơi không đúng cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy, điều quan trọng là hiểu rõ thể trạng và bệnh lý cá nhân để lựa chọn thực phẩm một cách thông minh và an toàn.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)