Thành phần chính của mì chính là mononatri glutamat, đây là loại gia vị được sử dụng phổ biến nhất để tăng hương vị cho thực phẩm. Món này thường được sử dụng trong ẩm thực Việt và cũng phổ biến ở các vùng khác của Đông Nam Á.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) mì chính là gia vị mang nhiều tai tiếng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép sử dụng loại gia vị này. Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng Châu Âu (EC/SCF) hay Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) cũng có cùng kết luận là mì chính là một loại gia vị an toàn, và không gây ra bất cứ ảnh hưởng không tốt nào đến sức khỏe.
Mì chính có chức năng điều vị an toàn. Khi ăn tác động vào hệ thần kinh vị giác, kích thích dạ dày tiết dịch và tăng cường sự hoạt động của các men.
Khi có điều kiện tiếp cận với nhiều thực phẩm tốt hơn, ăn được chất, gia vị cũng phong phú hơn nhiều người lại sợ mì chính với nhiều đồn đoán như gây ung thư, đột quỵ. Về vấn đề này, ông Thịnh khẳng định đây là gia vị sử dụng ở mức nhất định, không có tác hại.
Về hiện tượng say mì chính, theo lý giải của vị chuyên gia này, đó là do một số người ăn ít và khi ăn quá nhiều bị dị ứng. Tuy nhiên, khoa học ngày nay chưa lý giải được tại sao mì chính có thể gây say từng lúc. Thực tế, các sản phẩm thực phẩm công nghiệp, thức ăn nhanh cũng được cho mì chính.
Theo ông Thịnh, mì chính không độc nhưng không nên lạm dụng nó. Khi dùng loại gia vị này, các gia đình cần lưu ý đây chỉ là gia vị, không có giá trị dinh dưỡng. Trong bữa ăn, người nấu không nên cho quá đậm đà mì chính để thay thế các chất cần thiết như đạm, chất xơ, chất béo hay vi chất khác.
Đặc biệt, nêm mì chính tránh ở nhiệt độ quá cao khi tắt bếp mới cho vào. Các món chiên rán không nên cho mì chính lúc thực phẩm đang ở nhiệt độ cao. Nhiệt độ lý tưởng nhất để nêm mì chính là 70-75 độ C.
Mì chính có nhiều hàng giả. Khi mua, người tiêu dùng chọn các loại có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng trôi nổi, không có bao bì thông tin sản phẩm.
Những điều cần nhớ khi sử dụng bột ngọt (mì chính):
Không nên sử dụng bột ngọt trong các món ăn lạnh có vị chua hoặc ngọt, nếu không sẽ tạo ra vị chát lạ.
Nhiệt độ tốt nhất để phát huy tác dụng bột ngọt là 75℃. Không thêm bột ngọt khi nhiệt độ của súp hoặc món ăn quá cao.
Tốt nhất là thêm bột ngọt khi món ăn vừa mới ra khỏi nồi. Nếu thêm quá sớm, hương vị sẽ không rõ ràng.
Bột ngọt có hàm lượng natri cao, vì vậy không nên thêm quá nhiều muối hoặc nước tương sau khi thêm bột ngọt.
Các loại thực phẩm như thịt gà, cá, nấm, sứa, nghêu... vốn đã rất ngon nên không cần thêm bột ngọt để tăng thêm độ ngon.
Mọi thực phẩm bạn ăn đều cần phải có chừng mực, không nhiều hơn, không ít hơn, tốt nhất là vừa phải
Minh Thanh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)