Khoai lang có chứa các chất như amylase, polyphenol oxidase, có lợi cho việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tại dạ dày. Khoai lang còn chứa một lượng lớn protein chất nhầy, chất xơ, protein, các vitamin A, C, B6, E, sắt, canxi... Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy nên để cả vỏ. Chất xơ của khoai là loại pectin có tác dụng tiêu hóa tốt, tăng thải choleserol, chống táo bón…
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong khoai lang có thể ngăn chặn hiệu quả sự kết tủa lipid trên thành mạch máu, phòng ngừa các bệnh tim mạch, có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Ăn khoai lang cũng giúp da đẹp, mềm mịn hơn trong mùa thu.
Khoai lang chứa rất nhiều chất dinh dưỡng đều rất quan trọng để hỗ trợ chức năng miễn dịch, đặc biệt quan trọng trong mùa rất dễ bị cảm lạnh và cúm. Vitamin A cũng là chìa khóa để duy trì làn da khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe mắt.
Thực tế, khoai lang không chỉ cân bằng dinh dưỡng mà còn có tác dụng trong việc ngăn ngừa tiểu đường, giảm cân, giữ dáng, chống ung thư. Khoai lang dễ tạo cảm giác no, có thể giảm lượng thức ăn và đạt được hiệu quả giảm cân.
Với những công dụng tuyệt vời trên, nhiều người chọn khoai lang làm bữa ăn phụ, thậm chí thay vì bữa ăn chính. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn khoai lang vào buổi trưa là tốt nhất trong ngày. Nguyên nhân là vì sau khi ăn, canxi trong khoai lang cần phải mất 4-5 giờ mới hấp thụ vào trong cơ thể. Trong khi đó, khung giờ 2-5 giờ lại có ánh nắng mặt trời tác động lớn đến quá trình hấp thụ canxi, cho nên việc ăn khoai lang vào tầm giờ trưa 10-12 giờ trưa là hoàn toàn phù hợp.
Ăn quá nhiều khoai lang hoặc ăn khi đói không tốt cho sức khỏe
Những người ăn quá nhiều khoai để giảm cân sẽ dẫn đến hiện tường thiếu hụt protein. Quá nhiều chất xơ khi ăn khoai quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu vi khoáng khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa. Không nên ăn khoai lang khi đói.
Không ăn khoai lang vào buổi tối
Ăn khoai lang buổi tối dễ trào ngược axit, đặc biệt là những người dạ dày yếu hoặc người già tiêu hóa kém, vì sẽ gây ra hiện tượng đầy bụng, cộng với việc ban đêm sự trao đổi chất thấp nên càng khó tiêu hóa dễ dẫn đến mất ngủ.
Nên ăn khoai vào bữa sáng kèm theo sữa nguyên kem hoặc sữa chua, thêm chút hạt và rau xanh sẽ là bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Người có tiêu hóa kém không ăn khoai lang
Sau khi ăn khoai lang, dạ dày của bạn sẽ tiết ra rất nhiều dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Người có hệ tiêu khóa không tốt, xuất hiện những biểu hiện là thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng thì không nên ăn khoai lang vì khi ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, chướng bụng cảm giác khó chịu cả ngày.
Ăn khoai lang thay cơm
Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải sẽ rất có lợi cho hệ tiêu hoá của bạn. Nhưng nếu bạn ăn quá nhiều, ăn thay cơm mà không bổ sung được những dưỡng chất khác sẽ dẫn đến hậu quả ngược lại. Khi mà cơ thể không kịp tiêu hoá hết, những axit và protein trong khoai lang sẽ tích tụ lại trong dạ dày, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, nấc, ợ nóng, thậm chí là bị tiêu chảy.
Nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe này là do phản ứng của axit tiêu hoá, thành dạ dày bắt đầu co lại, đồng thời điểm tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản mở rộng làm cho thức ăn dồn lên phía trên gây ợ chua và nấc nghẹn.
Giang Nguyễn