Ai cần tiêm vắc xin phòng cúm?
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus cúm (Influenza virus) gây ra. Bệnh không chỉ phổ biến ở mọi độ tuổi mà còn đặc biệt nguy hiểm đối với những người trưởng thành có hệ miễn dịch suy yếu, người cao tuổi hoặc những cá nhân mắc các bệnh mạn tính.
Dù nhiều người xem cúm là một căn bệnh thông thường, nhưng trên thực tế, cúm có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, diễn biến phức tạp, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nhập viện điều trị kéo dài, thậm chí gây tử vong nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời.
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus cúm (Influenza virus) gây ra.
Theo Trung tâm y tế UCLA Health (Mỹ), có khoảng ⅛ bệnh nhân mắc cúm nhập viện với biến chứng nghiêm trọng, 7% trong số đó tử vong. Bệnh nhân cúm còn có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp 6 lần người bình thường.
Vắc xin cúm giúp giảm 74% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt, giảm nguy cơ tử vong hơn 31% ở trẻ em, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khoẻ và nền tảng tương lai cho trẻ. Đối với người lớn, một mũi vaccine cúm có thể giúp giảm 61% tỷ lệ tử vong, 55% ở bệnh nhân có bệnh mạch vành, 41% ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.
Tiêm vắc xin phòng cúm có thể giúp ngăn ngừa bệnh và các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người sau đây nên tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; người cao tuổi (thường là từ 65 tuổi trở lên); phụ nữ mang thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ; những người có bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, HIV/AIDS, tiểu đường và bệnh gan mạn tính; những người có hệ thống miễn dịch yếu, gồm những người đang điều trị ung thư... Nhân viên y tế và những người chăm sóc người có nguy cơ cao bị biến chứng từ cúm.
Ai không nên tiêm vắc xin cúm?
Vắc xin cúm chống chỉ định với người quá mẫn cảm với các hoạt chất hoặc tá dược được liệt kê trong mục “thành phần” của vắc xin, dù chỉ với một lượng nhỏ của trứng (ovalbumin, protein của gà), neomycin, formaldehyde và octoxynol-9. Hoãn tiêm với các trường hợp sốt hay mắc bệnh cấp tính.
Cần thận trọng với người suy giảm miễn dịch, suy giảm tiểu cầu hoặc rối loạn chảy máu.
Lịch tiêm vắc xin cúm đầy đủ cho mọi lứa tuổi
Lịch tiêm phòng cúm khác nhau tùy vào từng đối tượng, độ tuổi và theo từng loại vắc xin. Việt Nam đang lưu hành hai loại vắc xin phòng cúm tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) phòng được 4 chủng virus cúm gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria), lịch tiêm vắc xin cúm được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn như sau.
Lịch tiêm vắc xin cúm cho trẻ em
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi
Tiêm 2 mũi vắc xin cúm theo lịch như sau:
Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;
Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 4 tuần, tiêm nhắc lại hằng năm.
- Trẻ em từ 9 tuổi trở lên
Tiêm 1 mũi duy nhất và tiêm nhắc lại hằng năm.
Lịch tiêm phòng cúm khác nhau tùy vào từng đối tượng, độ tuổi và theo từng loại vắc xin.
Lịch tiêm vắc xin cúm cho người lớn
Người lớn tiêm 1 mũi vắc xin duy nhất và được khuyến cáo nhắc lại mỗi năm một lần để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
Lịch tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ mang thai
Vắc xin cúm không chống chỉ định với đối tượng phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc xin trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng để phòng nguy cơ mắc cúm cho mẹ bầu và phòng biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin cần được bác sĩ khám sàng lọc cẩn trọng, khai thác tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh lý và chỉ định mũi vắc xin phù hợp.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)