Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Dưới đây là 8 nguyên tắc quan trọng, bạn cần ghi nhớ khi chế biến thực phẩm:
Rửa sạch rau, củ, quả dưới vòi nước chảy.
Vẩy rau thật ráo nếu ăn sống
Hãy rửa sạch từng lá rau dưới vòi nước đang chảy và sử dụng dụng cụ vắt rau để loại bỏ hầu hết nước dư thừa, sau đó thấm khô bằng khăn sạch hoặc khăn giấy.
Lưu ý, nhớ cất rau vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi mua và sử dụng hết trong vòng một tuần.
Ướp thịt với chanh, giấm
Theo nghiên cứu, thêm giấm hoặc nước cốt chanh vào thịt khi ướp có thể làm cho thịt của bạn an toàn hơn. “Axit có xu hướng làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn trên thịt”, Melvin Hunt, Tiến sĩ - Giáo sư về khoa học thực phẩm tại Đại học bang Kansas, Mỹ nói.
Chỉ cần ướp đúng cách: Ướp trong tủ lạnh và không để ở môi trường ngoài. Lưu ý thêm là thịt gia cầm không nên ướp quá hai ngày, nhưng thịt bò, thịt lợn và thịt cừu lại có thể để trong gia vị ướp năm ngày mà không vấn đề gì.
Chú ý nhiệt độ
Bạn không thể dựa vào màu sắc hoặc kết cấu của thịt để suy đoán độ chín của miếng thịt bạn nướng. Trong các nghiên cứu gần đây, các yếu tố như thịt bò được đóng gói như thế nào ảnh hưởng đến màu sắc của thịt sau khi nấu chín. Một số miếng thịt ngả màu nâu rất nhanh sau khi nấu, trước khi chúng đạt đến một nhiệt độ an toàn, trong khi một số miếng thịt khác lại vẫn còn màu hồng ở giữa sau khi nấu chín.
Để ý các "vùng nguy hiểm"
Sản phẩm dễ hỏng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe. Khi mua đồ từ siêu thị hay cửa hàng tạp hóa thì bạn nên dùng một túi cách nhiệt hoặc lạnh để bảo quản thực phẩm tốt hơn cho đến khi về nhà.
Ngoài ra, nếu dùng xe ô tô, bạn nên để thực phẩm trong khoang lái thay vì trong cốp xe để điều hòa không khí có thể bảo quản chúng trong môi trường mát mẻ.
Rửa đĩa và dụng cụ làm bếp thường xuyên
Hãy nhớ rửa bát đĩa, thớt hay các đồ dùng nấu ăn… đã sử dụng hoặc đã tiếp xúc với các thực phẩm tươi sống trước khi sử dụng chúng để đựng thức ăn chín. Sử dụng nước nóng và xà phòng để rửa dụng cụ sau mỗi bước của quá trình sơ chế.
Điều này sẽ ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi trên bề mặt và giảm khả năng lây nhiễm sang thực phẩm của bạn.
Rã đông thực phẩm an toàn
Nếu có dự định sử dụng thực phẩm rã đông, bạn nên có kế hoạch trước rồi bỏ xuống ngăn mát tủ lạnh 24 giờ trước khi chế biến hoặc sử dụng nước lạnh.
Lựa chọn kĩ càng từng loại thực phẩm.
Kiểm tra kỹ bao bì khi mua thực phẩm đóng hộp
Các sản phẩm đóng hộp như chai, lọ hay lon có thể lưu trữ trong thời gian dài nhờ môi trường vô trùng được tạo ra khi chúng được xử lý. Nhưng nếu nắp lon hoặc nắp chai, lọ bị phồng thì có thể thực phẩm chế biến bên trong có thể đã bị ô nhiễm.
Ngược lại, nếu bề mặt lon, chai hay lọ có vết lõm, vết nứt thì có khả năng thực phẩm cũng đã không còn an toàn. Vì thế, khi mua thực phẩm đóng hộp bạn nên kiểm tra kỹ để đảm bảo chúng vẫn còn nguyên vẹn.
Kiểm tra bao bì thực phẩm đông lạnh
Nếu bao bì bọc ngoài đã bị hư hỏng thì bạn không nên mua vì nếu có nước rò rỉ hay sự cố bên ngoài bao bì thì thực phẩm cũng có thể bị ô nhiễm.
Túi thực phẩm có nước đóng băng bên trong cũng không nên mua vì có thể nó đã từng bị rã đông và đông lạnh trở lại, hoặc cũng có thể thực phẩm đông lạnh đó cũng đã quá cũ.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm 1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện. 2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. 3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế. |
Theo Suckhoe.com.vn