Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn kiểm soát cân nặng, cải thiện huyết áp mà còn ngăn chặn sự khởi đầu của một số bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất có liên quan tới việcgiảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ruột kết.
"Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một chương trình tập thể dục", Tiến sĩ Priscilla Furth, một giáo sư về ung thư tại Trung tâm ung thư Lombardi thuộc Đại học Georgetown cho biết.
Dưới đây là 7 bệnh ung thư mà nghiên cứu khoa học đã cho thấy có thể được ngăn chặn nhờ tập thể dục:
1. Ung thư nội mạc tử cung
Những chị em dành ra 150 phút mỗi tuần (hoặc hơn) để tập thể dục sẽ có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung (ung thư bắt đầu ở lớp niêm mạc tử cung) thấp hơn 34% so với những người không thể dục, các nhà nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Đại học Yale báo cáo tại Hội nghị nghiên cứu dự phòng Ung thư.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25 có rủi ro bị bệnh thấp hơn 73% so với phụ nữ ít vận động có chỉ số BMI trên 25 (Những người có chỉ số BMI trên 25 được coi là thừa cân).
2. Ung thư đại trực tràng
Những người theo thói quen lối sống lành mạnh, bao gồm cả tập thể dục trong hơn 30 phút mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, theo một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào tháng 10 trên Tạp chí Y học Anh.
Trong thực tế, theo các nhà nghiên cứu từ Viện Ung thư Dịch tễ học tại Copenhagen, bệnh ung thư đại trực tràng có thể ngăn ngừa được tới 23% nếu thường xuyên vận động. Nghiên cứu này được dựa trên một cuộc khảo sát của 55.489 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 50-64 và được tiến hành trong khoảng thời gian gần 10 năm.
Ảnh minh họa
3. Ung thư tuyến tiền liệt
Một số phát hiện cho thấy mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và khả năng giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt một cách tích cực.
Những người đàn ông tập thể dục thường xuyên sẽ giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt hoặc tử vong vì căn bệnh này so với những người lười hoạt động thể chất, theo một nghiên cứu năm 2006 trên Tạp chí quốc tế về Ung thư. Và một nghiên cứu năm 2005 với sự tham gia của nam giới Trung Quốc được đăng trên Tạp chí Châu Âu về dịch tễ học cho thấy tập thể dục có thể bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt.
Theo lời khuyên của Tiến sĩ Priscilla Furth thì đàn ông nên chọn cho mình một hoạt động mà mình ưa thích, sau đó tập trung vào nó với cường độ tăng dần.
4. Ung thư vú
Phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú có thể giảm 25% nguy cơ phát bệnh của họ bằng cách tập thể dục 20 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần cùng với việc duy trì một lối sống lành mạnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2010 trong tạp chí Nghiên cứu Ung thư vú.
Một số phát hiện cho thấy rằng bắt đầu một chương trình tập thể dục ngay từ ở tuổi vị thành niên có thể trì hoãn sự khởi đầu của bệnh ung thư vú ở phụ nữ mang một đột biến trong gen BRCA trong cơ thể (có liên quan với tăng nguy cơ bệnh), nhưng nó không ngăn chặn bệnh phát triển, Tiến sĩ Priscilla Furth nói.
5. Ung thư phổi
Tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi cho những người hút thuốc ở hiện tại và trước đó.
Đại học Minnesota đã nghiên cứu 36.929 phụ nữ ở Iowa bị ung thư trong 16 năm. Họ phát hiện ra rằng phụ nữ thường xuyên tập thể dục cao ít có khả năng phát triển ung thư phổi so với những người ít tập thể dục, theo nghiên cứu năm 2006 được đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology Biomarkers & Prevention.
Cũng theo một nghiên cứu năm 2003 trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ, nam giới và phụ nữ tham gia vào các hoạt động thể dục sẽ giảm ung thư phổi, đặc biệt là những người có chỉ số khối cơ thể thấp hoặc trung bình và người hút thuốc lá.
Ảnh minh họa
6. Ung thư buồng trứng
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tập thể dục và giảm nguy cơ ung thư buồng trứng biểu mô (ung thư được tìm thấy trong các tế bào trên bề mặt của buồng trứng). Phụ nữ tham gia vào các hoạt động thể dục cường độ cao thường có nguy cơ giảm ung thư buồng trứng xâm lấn so với những phụ nữ không có hoạt động thể chất thường xuyên, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2010 trên Tạp chí Cancer Causes & Control (Nguyên nhân và kiểm soát ung thư).
7. Ung thư dạ dày
Những người tham gia ít nhất một hình thức thể dục ở mức độ vừa phải sẽ giảm nguy cơ ung thư dạ dày 50% so với những người không tập thể dục, theo một nghiên cứu năm 2008 trên tạp chí Cancer Epidemiology Biomarkers and Prevention.
Những người đã hoạt động thể chất trong suốt cuộc đời của họ cũng có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày, theo một nghiên cứu năm 2007 trong tạp chí Ung thư của châu Âu (European Journal of Cancer).
Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác lại không cho rằng có mối liên hệ giữa việc giảm nguy cơ ung thư dạ dày và tập thể dục, và có sự khác biệt trong kết quả của họ dựa trên các yếu tố như chế độ ăn uống, chỉ số khối cơ và chiều cao.
Theo Trí Thức Trẻ