Nếu gặp các triệu chứng này, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Dưới đây là một danh sách 6 dấu hiệu bất thường và triệu chứng đáng được chú ý nhiều nhất.
1. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Giảm cân thành công là mong ước của rất nhiều chị em nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh giảm cân không rõ nguyên nhân, không cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc thậm chí không cần vận động, thể dục... thì bạn cần xem xét lại. Thực tế đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo không tốt về sức khỏe của bạn.
Nếu trong vòng 6 tháng mà bạn giảm tới 10% trọng lượng cơ thể một cách tự nhiên thì bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân không rõ nguyên nhân có thể do các nguyên nhân bao gồm tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), bệnh tiểu đường, trầm cảm, bệnh gan, ung thư hoặc rối loạn trong trong hấp thụ chất dinh dưỡng (rối loạn kém hấp thu)... gây ra.
Ảnh minh họa
2. Sốt dai dẳng hoặc sốt cao
Sốt không do nguyên nhân nào là một trong những triệu chứng đáng báo động. Bình thường, sốt là phản ứng quan trọng trong "cuộc chiến" chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bạn bị sốt cao hơn 3 ngày mà không có dấu hiệu giảm thì cần đi khám bác sĩ sớm.
Sốt dai dẳng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tiềm ẩn trong cơ thể, có thể nguyên nhân là do nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao... Trong một số trường hợp, bệnh ung thư (ác tính), chẳng hạn như u lympho, cũng có thể là nguyên nhân gây sốt dai dẳng.
3. Thay đổi thói quen đi tiêu
Mỗi người có thói quen đi tiêu khác nhau, miễn là nó phù hợp với sức khỏe và bạn cảm thấy thoải mái. Nhưng nếu thói quen đi tiêu của bạn thay đổi (về thời gian, tần suất) hoặc có những sự khác thường trong "sản phẩm" thì bạn cần đi khám sớm.
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu nhận thấy những thay đổi bất thường như: Phân có máu, màu đen hoặc xám; Tiêu chảy hoặc táo bón dai dẳng; Luôn muốn đi tiêu liên tục...
Thay đổi thói quen đi cầu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn - như campylobacter hay salmonella - hoặc nhiễm virus hoặc ký sinh trùng. Nguyên nhân khác có thể bao gồm hội chứng ruột kích thích và ung thư ruột kết.
Ảnh minh họa
4. Khó thở, hơi thở ngắn
Khó thở, hơi thở ngắn khi không bị nghẹt mũi hoặc do hoạt động thể chất mạnh mẽ... có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề tiềm ẩn trong sức khỏe của bạn. Nếu bạn cảm thấy khó thở, thở hổn hển hoặc thở khò khè, bạn cần đến bệnh viện gặp bác sĩ ngay. Cảm thấy khó thở khi nằm cũng là một triệu chứng cần được khám xét kịp thời.
Nguyên nhân gây khó thở có thể do bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, viêm phổi, cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi), cũng như các vấn đề về tim và phổi khác. Khó thở cũng có thể xảy ra khi bạn hoảng sợ, lo lắng, căng thẳng... Lúc này, bạn sẽ thấy thường kèm theo các triệu chứng khác như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, khó thở...
5. Thay đổi tâm trạng
Nếu bạn thấy mình liên tục rơi vào các trạng thái như: Luôn bối rối trong suy nghĩ; Nhầm lẫn về thời gian hoặc địa điểm (mất phương hướng); Khó tập trung hoặc hay quên; Tính cách hoặc hành vi thay đổi đột ngột... thì bạn cũng nên đi khám bác sĩ. Đây là những thay đổi về tâm trạng và tính cách nhưng không có nghĩa là không nguy hiểm cho sức khỏe.
Thay đổi hành vi hay suy nghĩ có thể được gây ra bởi nhiều vấn đề. Nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc bệnh như nhiễm trùng, thiếu máu, hạ đường huyết, mất nước hoặc các bệnh tâm thần... Đôi khi đó cũng là tác dụng phụ của một số loại thuốc liên quan đến thần kinh.
Ảnh minh họa
6. Cảm thấy no dù ăn rất ít
Nếu bạn luôn cảm thấy no sớm hơn bình thường hoặc kể cả khi ăn ít hơn bình thường mà vẫn thấy quá no (dù trước đó không ăn gì) thì bạn nên đi khám bác sĩ. Cảm giác này, được gọi là ăn mau no, có thể kèm theo buồn nôn, nôn, đầy hơi, sốt, sụt cân hoặc tăng. Khi đi khám, bạn nên nói rõ các triệu chứng với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Nguyên nhân của tình trạng ăn mau no có thể bao gồm: bệnh trào ngược dạ dày thường được gọi là GERD, và hội chứng ruột kích thích. Trong một số trường hợp, nguyên nhân nghiêm trọng hơn có thể là ung thư tuyến tụy.
Tri Thức Trẻ