Vì mục đích tăng cân, giảm cân hoặc bổ sung chất dinh dưỡng nào đó, bạn đã quyết định thành lập cho mình một chế độ ăn uống mới. Tuy nhiên, bạn không thể dám chắc ngay lúc đó rằng chế độ ăn đó có thực sự tốt cho bạn hay không. Trong một số trường hợp, một chế độ ăn uống tốt cho người này nhưng lại có thể không có lợi cho người khác, thậm chí có hại. Vậy nên, việc thận trọng xem xét chuyện ăn uống của bạn là vô cùng quan trọng.
Nếu bạn thấy các triệu chứng sau đây, đừng chủ quan. Hãy dành thời gian để suy nghĩ lại về chế độ ăn uống của bạn.
1. Bạn luôn luôn đói
Một trong những dấu hiệu hàng đầu mà bạn cần phải suy nghĩ lại về chế độ ăn uống của bạn là nếu bạn luôn luôn cảm thấy đói. Cảm giác này xuất hiện trong hầu hết thời gian trong ngày thì chứng tỏ bạn chưa ăn đủ và không cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Một nguyên tắc ăn uống vô cùng quan trọng mà bạn cần nhớ là: lượng thực phẩm bạn ăn phải cung cấp đủ lượng calo cho các hoạt động hàng ngày của bạn. Cho dù bạn có đang muốn giảm cân thì vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc này.
Nếu bạn ăn quá ít so với lượng calo cơ thể cần thì có thể dẫn đến sự cản trở trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và gây rối loạn hoạt động trong cơ thể.
2. Bạn thấy mệt mỏi
Bên cạnh cảm giác đói, sự mệt mỏi cũng là một biểu hiện chứng tỏ bạn ăn không đủ. Nếu cảm giác mệt mỏi diễn ra thường xuyên và liên tục thì bạn có khả năng cao bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất trong cơ thể vì lượng dưỡng chất trong thức ăn bạn ăn không đủ để cung cấp cho nhu cầu của cơ thể.
Lúc này bạn phải xem lại chế độ ăn uống của mình và có sự bổ sung dưỡng chất bạn thiếu một cách kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng cần tạo cho mình thói quen ngủ đủ giấc để duy trì sự khỏe mạnh, tỉnh táo.
3. Bạn không thể hoàn thành được các bài tập luyện hoặc không thể tập trung làm tốt công việc
Sự mệt mỏi và thiếu hụt năng lượng thường là nguyên nhân khiến bạn không thể hoàn thành các bài thể dục, tập luyện quen thuộc của mình cho dù đó chỉ là đi bộ vài vòng quanh khu bạn ở hoặc là làm tốt công việc. Nếu bạn có thói quen vận động, thể dục, bạn cần cung cấp đủ carbohydrate và protein làm nhiên liệu cho cơ thể. Nếu 2 dưỡng chất này bị thiếu, cơ thể bạn sẽ không tổng hợp đủ nhiên liệu để tạo thành năng lượng cho bạn hoàn thành các bài thể dục hay tập trung làm việc...
Vì vậy, khi thấy dấu hiệu này, bạn nên xem xét lại chế độ ăn uống hiện tại của mình.
4. Bạn luôn nghĩ về đồ ăn
Khi bạn ăn kiêng hoặc tham gia vào chế độ ăn uống cắt giảm nhóm thức ăn nào đó, bạn sẽ rơi vào tình trạng luôn nghĩ tới những thực phẩm mình "không được ăn". Khi quyết tâm của bạn vẫn cao, bạn sẽ cố kiềm chế để không "phá giới" nhưng càng kiềm chế, cơn thèm ăn của bạn sẽ càng tăng. Đặc biệt, những lúc mệt mỏi hoặc cảm thấy kiệt sức, bạn sẽ chỉ có một ham muốn duy nhất là ăn những thực phẩm "bị cấm" đó để tăng năng lượng của mình một cách nhanh nhất.
Nếu bạn thấy mình luôn luôn suy nghĩ về thức ăn, lượng calo... thì rất có thể bạn đã chọn sai chế độ ăn uống. Thay vì kiêng khem quá mức, hãy cắt giảm lượng thức ăn xuống để vừa đảm bảo bạn không thiếu dinh dưỡng và không bị thèm ăn. Nếu phải nhịn món ăn nào đó quá lâu, có thể đến một ngày bạn sẽ ăn chúng rất nhiều, dẫn đến mất kiểm soát trong ăn uống và cân nặng.
5. Chu kì kinh nguyệt bị rối loạn
Trong một số trường hợp, chế độ ăn uống lại chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt của bạn. Ăn uống kiêng khem, thiếu chất sẽ dễ dàng làm cho các hoạt động trong cơ thể bị đình trệ, rối loạn, do đó, chu kì kinh nguyệt cũng bị ảnh hưởng theo.
Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác chứ không hẳn do ăn uống. Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi lại chuyện ăn uống, bạn cũng cần lưu ý các yếu tố khác, ví dụ như tâm lý, thói quen hoạt động...
Hãy nhớ rằng không ai giống ai vì vậy, hãy chọn chế độ ăn uống thích hợp nhất với bạn.
Trí Thức Trẻ