Ăn hải sản "ngậm" hóa chất dễ gây ngộ độc cấp tính
Urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp. Đây là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng phân urê để bảo quản nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu không bị ươn thối. Hải sản là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng khi chúng bị tẩm ướp urê, chất tẩy javel thì không còn nguyên chất nữa và có thể gây ngộ độc cho người dùng.
Khi sử dụng đạm urê tẩm ướp, bảo quản hải sản, đạm urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá. Sau đó dù có được rửa kỹ nhiều lần vẫn không loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê đã ngấm sâu vào thực phẩm. Trong cơ thể người, nếu lượng urê quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Nhẹ là chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp sẽ gây tử vong.
4 món hải sản "ngậm" nhiều hóa chất độc nhất chợ, phải đặc biệt chú ý kẻo rước bệnh vào người
Tôm
Tôm là loại hải sản nhỏ nhưng rất hay bị "làm hàng" rất tinh vi. Một số người bán có thể dùng urê để giữ thân không bị nhũn và đồng thời làm vỏ tôm sáng bóng như vừa đánh bắt. Hoặc, ngâm tôm trong nước đá trộn hàn the hoặc chất tẩy để làm tôm cứng, trắng hơn cũng rất phổ biến nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ kích ứng đường tiêu hóa và gan thận nếu dùng thường xuyên dùng. Ngoài ra, tôm còn có thể bị bơm tạp chất như thạch hoặc gel vào bên trong để tăng trọng lượng.
Bạn có thể phát hiện tôm đã bị xử lý bằng cách quan sát lớp vỏ: Nếu có màu trắng đục hoặc trắng sáng bất thường, phần vỏ bóng loáng như phủ một lớp màng, thân phồng lên như bị bơm hơi thì đó là dấu hiệu đáng nghi. Những con tôm này có phần thân mềm nhũn hoặc ngược lại quá căng, đầu dễ rơi (dấu hiệu cho thấy tôm đã chết lâu và bị xử lý qua hóa chất, thường là sodium metabisulfite hoặc hydrogen peroxide) và gần như không có mùi tanh tự nhiên.
Để chọn tôm tươi ngon, bạn nên chọn những con có vỏ trong, hơi ánh xanh hoặc xám nhạt. Tôm tươi có thân cong tự nhiên, đầu dính liền thân, không long đầu, khi ấn tay vào thân sẽ thấy chắc thịt, đàn hồi tốt, không bị nhũn. Ngoài ra, tôm tươi sẽ có mắt sáng, mùi tanh nhẹ nhưng dễ chịu, không có mùi lạ hay hắc nồng.
Đặc biệt, nên tránh tôm quá to nhưng giá rẻ bất thường vì có thể là hàng đông lạnh cũ được tẩy làm mới.
Mực
Mực là loại hải sản bị tẩy trắng phổ biến nhất. Sau khi đánh bắt, mực nếu không được bảo quản lạnh đúng cách sẽ nhanh chóng chuyển màu vàng, nâu sậm hoặc xám đục. Để giúp mực trắng sáng trở lại, một số người bán đã dùng hydrogen peroxide (oxy già công nghiệp), formol hoặc clo để tẩy trắng, khử mùi và tạo cảm giác "tươi mới". Những loại mực đã qua xử lý hóa chất này không chỉ mất chất mà còn gây hại cho gan, thận nếu ăn thường xuyên.
Dấu hiệu nhận biết mực đã bị tẩy trắng là màu sắc trắng bệch toàn thân, không có ánh hồng hay lớp da sẫm màu tự nhiên. Mắt mực thường mờ đục, đầu dễ rơi khỏi thân và thịt mềm, mất độ đàn hồi. Đặc biệt, khi ngửi mực không có mùi tanh đặc trưng, thậm chí còn hơi thơm thơm lạ thường.
Để chọn mực tươi, bạn nên ưu tiên mực có lớp da ánh nâu hồng hoặc tím nhẹ, không quá trắng. Thân mực phải săn chắc, khi ấn vào có độ đàn hồi, mắt trong và rõ, râu gắn chặt vào thân. Nếu bạn ngửi thấy mùi tanh dịu nhẹ cũng là dấu hiệu mực còn tươi.
Cua, ghẹ
Tại Vũng Tàu, những con cua ghẹ yếu, gãy càng, rụng mai, thậm chí đã chết sẽ được bỏ mối cho các hàng rong. Chỉ cần qua bàn tay ‘chữa trị’ tài tình của người bán, đám ghẹ ‘thương binh’, ‘ngất xỉu’ này sẽ trở nên tươi rói bóng bẩy như chưa hề chết. Những con cua, ghẹ chết sẽ được gắn lại càng và chân, sau đó ngâm vào thứ nước là hỗn hợp nước, hàn the và bột ngọt, có màu đục nhờ nhờ. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng người chế biến còn cho vào nước một chất phụ gia hóa học đựng trong gói nhỏ nhàu nát không rõ nhãn mác.
Xong công đoạn ngâm ướp để phục hồi hình dạng cho đám cua, ghẹ, người ta xếp vào một rổ to cho ráo nước, chuẩn bị đến công đoạn bơm gạch. Hỗn hợp gạch giả gồm lòng đỏ trứng vịt, bột mỳ, chất bảo quản trộn lẫn với nhau, được bơm thẳng vào mai.
Sau khi qua nhiều bước ‘tái sinh’, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm, nhìn khác một trời một vực so với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước. Kỹ xảo này còn được áp dụng đối với cua ghẹ đang sống.
Cá nục
Cá nục là loại cá bình dân, được tiêu thụ rất nhiều nhưng cũng dễ bị ngâm hóa chất nhất. Nếu không được ướp lạnh ngay sau khi đánh bắt, cá sẽ có mùi và đổi màu. Vì thế, nhiều người bán đã sử dụng đá lạnh pha hóa chất bảo quản hoặc ngâm cá với oxy già để giảm mùi tanh, tăng cảm giác "vừa đánh bắt".
Dấu hiệu của cá nục "ươn ngầm" này là thường có mắt mờ đục, lõm sâu, không sáng. Mang cá chuyển sang màu xám hoặc nâu sẫm, khô lại, không còn tươi đỏ. Khi sờ vào, da cá bóng loáng bất thường, vảy dễ tróc và thịt mềm, mất độ đàn hồi. Đặc biệt, cá không còn mùi tanh mà có thể hơi thơm nhẹ kiểu nước sát khuẩn.
Thế nên khi đi chợ chọn cá nục, bạn nên ưu tiên cá có mắt sáng và lồi nhẹ, mang đỏ tươi, da sáng bóng có ánh xanh và còn ướt. Hãy dùng tay ấn vào thân cá, nếu thấy thịt chắc, có độ đàn hồi là cá còn tươi. Đồng thời, mùi cá tươi là tanh nhẹ, không hắc, không lẫn mùi hóa chất.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)