Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu là triệu chứng thường gặp do hệ thống tiêu hóa có vấn đề. Thông thường, đây không phải một triệu chứng quá nghiêm trọng, cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, không ít trường hợp đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu lại là dấu hiệu của một số bệnh đường tiêu hóa mà thường gặp nhất là viêm loét dạ dày – tá tràng, nếu không kịp thời điều trị có thể gây chảy máu dạ dày, thủng dạ dày... Vậy đâu là cách chữa đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu hiệu quả nhất?
3 phương pháp massage loại bỏ đầy hơi, chướng bụng, trợ giúp chức năng tiêu hoá của dạ dày
1. Massage giảm tạo thành khí và thư giãn cho dạ dày
Lấy rốn làm điểm khởi đầu. Đặt 4 ngón tay theo chiều ngang lên trên rốn. Điểm hướng tới nằm ở trên ngón trên cùng. Massage điểm này trong 2-3 phút theo chiều kim đồng hồ rồi ngược chiều kim đồng hồ. Nếu thực hiện đúng, bạn sẽ cảm nhận thấy vị chua xuất hiện trong miệng và lượng nước bọt tăng lên.
2. Massage loại bỏ ứ nước và giải toả cảm giác đau dạ dày
Điểm hướng tới ở phương pháp này nằm ở vị trí cách đúng bằng ngón tay bạn đặt ngay trên rốn. Nhấn vào đó và massage trong vòng 2-3 phút theo chiều kim đồng hồ rồi ngược chiều kim đồng hồ.
3. Massage kích thích hoạt động của ruột và loại bỏ tình trạng ứ trệ, nặng nề trong bụng
Đặt 4 ngón tay theo chiều ngang bên dưới rốn. Điểm hướng tới nằm ở dưới ngón tay út. Massage điểm này theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ. Nếu thực hiện đúng, bạn sẽ thấy tình trạng đầy hơi, chướng bụng được loại bỏ.
Một người khoẻ mạnh có thể do rất nhiều nguyên nhân mà bụng trở nên đầy ứ, bí bách, khó chịu. Chúng có liên quan tới dinh dưỡng và hoạt động của dạ dày.
Một số lưu ý cơ bản cũng có tác dụng giảm chướng bụng:
1. Chào buổi sáng bằng một ly nước chanh ấm
Nước chanh ấm có cấu trúc tương tự với dịch dạ dày và giúp làm bong, rửa trôi các chất độc ra khỏi đường tiêu hóa. Từ đó có thể giúp xua đi tình trạng khó tiêu, ợ nóng và chướng bụng. Nó cũng giúp nhuận tràng, kích thích sản xuất mật và làm lỏng phân.
2. Không uống sữa và cà phê vào bữa sáng
Sữa kích thích sản sinh axit dạ dày và làm tăng độ axit. Không coi đây là một đồ uống – đó là thực phẩm và khá nhiều năng lượng. Hãy chọn sữa chua hoặc kefir bởi chúng chứa lợi khuẩn có tác dụng trợ giúp vi khuẩn dạ dày trong quá trình tiêu hoá thức ăn. Với cà phê và bia, chúng ảnh hưởng tới dạ dày theo cách gần giống như sữa.
3. Không uống trong khi ăn
Đồ uống bạn hấp thụ trong một bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày và mức độ tập trung của các enzyme chịu trách nhiệm tiêu hoá. Do đó, thức ăn sẽ mất thời gian nhiều hơn để được dạ dày xử lý và quá trình lên men cũng bắt đầu. Hậu quả là tăng hình thành khí trong dạ dày và gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
4. Không uống đồ uống có cồn khi bụng đói
Đồ uống có cồn cũng kích thích sản sinh dịch vị dạ dày, trong trường hợp chưa có thức ăn vào bụng, sẽ làm giảm hoạt động của dạ dày và ăn mòn thành dạ dày. Nếu thường xuyên uống đồ uống có cồn khi đó, nó sẽ giết chết hệ vi sinh vật trong dạ dày và ruột.
5. Uống trà gừng
Trà gừng là người bạn tốt của bệnh nhân chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Thưởng thức một ly trà gừng ấm ngoài việc có thể ngăn ngừa được bệnh viêm họng, cảm cúm thì hệ tiêu hóa của bạn cũng được bảo vệ.
6. Không ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ
Dầu mỡ là một nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình chế biến thức ăn, nó khiến thức ăn nhanh chín và tạo hương vị hấp dẫn. Tuy nhiên ăn quá nhiều không tốt, bởi dầu mỡ sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn và chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn là tình trạng khó tránh khỏi.
Ngoài quá trình chiên, rán thông thường thì chất dầu mỡ còn có trong cả những loại thực phẩm, đồ ăn đóng gói sẵn.
7. Không ăn "không khí"
Khi ăn vội vàng, trò chuyện trong lúc ăn, nhai không kỹ, uống đồ uống có ga, nhai kẹo cao su hay hút thuốc lá, chúng ta nuốt thêm vào bụng lượng khí dư thừa. Việc này không có gì nguy hiểm nhưng nó dẫn tới tình trạng hình thành khí và đầy hơi, chướng bụng.
8. Không ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Có rất nhiều loại trái cây, rau, quả mọng và cây họ đậu. Quá nhiều chất xơ cũng hình thành khí ga và cản trở chức năng ruột do chất xơ thô. Sẽ tốt hơn nếu bạn không ăn quá nhiều những thực phẩm như vậy.
9. Thư giãn, ngủ tốt và thiền
Lo lắng và stress dẫn tới hoạt động kém hiệu quả của ruột. Để đối phó với tình trạng này, bạn cần thư giãn phù hợp. Ví dụ, dành 15-20 phút thiền mỗi ngày để xoa dịu tâm trí, dạ dày và trái tim cũng như giúp tuần hoàn máu trở lại bình thường.
M.S (Theo Giadinhvietnam.com)