Đã có quãng thời gian, vợ chồng Baggio - Quỳnh Trâm đứng trước bờ vực tan vỡ. Khi ấy Quỳnh Trâm từng gây sốc khi viết status tố người mẫu Tây - Andrea ngủ với chồng của mình.
Sóng gió qua đi, Baggio và Quỳnh Trâm lại quay về bên nhau. Và sợi dây giúp họ hàn gắn chính là cặp song sinh kháu khỉnh. Hiện tại, gia đình Baggio đang ở trời Tây khi sang đây thăm gia đình nhưng vì dịch Covid-19 nên bị mắc kẹt chưa thể về nước.
Thời gian rảnh rỗi, bà xã Baggio thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm mình đúc rút được trong quá trình chăm sóc cặp song sinh. Mới đây, Quỳnh Trâm đề cập đến sự thay đổi của trẻ ở độ tuổi lên ba và cách hành xử đúng mà bố mẹ nên làm với con.
Cô viết: "Khủng hoảng tuổi lên 3?
Câu này mình nghe từ hồi còn trẻ chưa có con kìa, và lúc đó nghĩ ồ chắc mấy đứa nhỏ lên 3 tuổi tâm lý bị khủng hoảng ghê gớm lắm. Sau này có con rồi tới lúc con lên 3 rồi mới tự rút ra được là thật ra bố mẹ bị khủng hoảng khi con lên 3 mới phải.
Quỳnh Trâm: "Thật ra bố mẹ bị khủng hoảng khi con lên 3 mới phải".
Trước tiên, bài viết này mình rút ra được từ bản thân nuôi dạy 1 lúc 2 ông con trai sinh đôi rất chi lắm trò lắm chiêu chứ không viết cho các bố mẹ có con “êm đềm”. Vì chắc chắn nếu không cùng hoàn cảnh sẽ không hiểu và sẽ phản bác kiểu “Ôi tào lao, con tôi ngoan cực kì, nói gì nghe nấy, kêu gì làm theo đấy, đặt đâu ngồi nấy...”. Nên bố mẹ nào trong hoàn cảnh như mình thì cùng tham khảo và chia sẻ nhen.
Tại sao mình lại nói là bố mẹ bị khủng hoảng khi con lên 3 thay vì trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 3?
Đầu tiên, mình nghĩ mỗi tuổi đều sẽ có những sự thay đổi nhất định nên 3 tuổi cũng vậy ở độ tuổi này các bé bắt đầu nhận biết nhận thức nhiều hơn, biết rõ bản thân mình muốn gì cần gì hơn và khá quyết tâm với những cái ý muốn đó. Ngoài ra việc biểu lộ rõ cảm xúc (tích cực lẫn tiêu cực như khóc gào ăn vạ khắp mọi nơi) cũng dễ dàng thấy, rồi “nghịch ngợm” hơn (ít ra là trong mắt người lớn) dù đối với các bé mọi thứ đó đều diễn ra hết sức bình thường và thuận tâm sinh lý. Vui vẻ chỉ là đôi khi bố mẹ không phải là con nên không hiểu được con “đang lớn” dần, không hiểu được con đang muốn gì cần gì, nghĩ gì, không hiểu được những thứ con muốn nó quan trọng với con cỡ nào thành ra bố mẹ cảm thấy thật “khủng hoảng” khi con có những thay đổi như vậy và hoảng hốt tự hỏi rằng “em bé ngoan ngoãn ngày trước của tôi đâu rồi”.
Vậy “đối phó” với những điều trên thế nào?
Thật ra trong thời gian qua đã có nhiều lúc mình rất quạu và mệt mỏi, thậm chí có lúc vào phòng đóng cửa nằm đó “trốn tránh” đối mặt với 2 anh Ben và Àm vì cũng chưa kịp chuẩn bị tinh thần nên “khủng hoảng” với 2 người “đàn ông” nhí kia.
Khi con ở độ tuổi khủng hoảng tuổi lên ba thì điều tốt nhất bố mẹ nên làm là bình tĩnh trong lời nói và hành động. Trong ảnh là cặp song sinh nhà Quỳnh Trâm.
Nhưng ngày qua ngày rồi cũng rút ra được vài điều:
1. Phải luôn giữ bản thân ở trạng thái thoải mái, khoẻ mạnh hạn chế stress (ăn uống đầy đủ, ngủ đủ, bổ sung thêm nhiều trái cây và tập thể dục nếu có thể). Vì stress càng làm bản thân thấy mọi thứ xung quanh trở nên khó khăn khủng khiếp hơn mà thôi.
2. Dù biết khó nhưng phải ráng, ráng bình tĩnh hết sức có thể. Như mình xác định dạy con kiểu giải thích, nói chuyện, thoả thuận đàm phán không đòn roi (tất nhiên vẫn có thưởng có phạt) nên còn phải tập kiên nhẫn và bình tĩnh nhiều nữa, đầu óc luôn phải nghĩ sao để nói cho con “phục” tuổi này chỉ có “phục” và thấy hợp lý mấy ảnh mới nghe và ghi nhớ!
3. Nếu như không thể nói gì tử tế hoặc nói giọng bình thường được thì tốt nhất nên cho cả mẹ lẫn con có không gian riêng để được bình tĩnh và suy nghĩ những gì đã xảy ra rồi sau đó nói chuyện giải thích cho con hiểu để tránh nóng lên nói những điều tổn thương con!
4. Dành nhiều thời gian hơn để hiểu con và để con tin tưởng cởi mở hơn với mình.
5. Đặt mình là con và làm bạn cùng con.
6. “HAPPY CHILD HAPPY MOM (và ngược lại)” - câu này mình tự nghĩ ra thôi mà thật ra có con rồi mới thấy con vui khoẻ rồi thì mẹ cũng vậy và ngược lại. Nên ráng vui khoẻ trước làm cái nền cho con.
7. Dạy con theo cách “tôn trọng con như 1 người lớn”, quan tâm cảm nhận cảm xúc cảm nghĩ của con. Từ đó dễ dàng hướng con cách làm gì nói gì cũng phải quan tâm đến cảm nhận của người khác như vậy bé sẽ có ý thức nhận thức và suy nghĩ về việc mình làm hơn thay vì bị áp đặt mà không phục! (như kiểu muốn người khác lắng nghe mình hãy lắng nghe xem họ cần gì và như thế nào!)
Đại loại là như vậy, nhớ gì thêm mình sẽ update tiếp. Biết là nói dễ làm khó nuôi con dễ dạy con mới khó nhưng vẫn phải ráng vì không ráng cũng không biết làm gì hơn, với mình nghĩ khủng hoảng hay không 1 phần do bản thân bố mẹ nghĩ mọi chuyện nhẹ hay nặng nữa".
Thiên Thanh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)