Có thể rất đau lòng và tủi thân khi bạn dồn hết tình yêu thương và sự quan tâm cho con mình nhưng dường như chúng lại chẳng bám bạn lắm. Nhưng hãy biết rằng bạn không đơn độc trong tình huống này và có những điều bạn có thể làm để cải thiện vai trò của bạn trong mắt trẻ.
Cố gắng tìm ra lý do tại sao lại có sự thiên vị này
Nếu bạn dành nhiều thời gian cho con mình, chúng có thể quan tâm hơn đến việc dành thời gian cho người còn lại. Chúng coi đó là điều hiển nhiên mà bạn dành cho chúng. Và ngược lại, có thể con bạn thích người dành nhiều thời gian cho con nhất vì người đó biết chúng cần gì và muốn gì hơn. Để giải quyết vấn đề này, bạn và nửa kia có thể thu xếp để dành cùng một khoảng thời gian như nhau cho con.
Điều này có thể thay đổi trong những thời điểm khác nhau
Trẻ mới biết đi thường thích bố hoặc mẹ hơn người kia và đó là cách thể hiện sự độc lập của chúng. Con bạn muốn có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình và chúng chọn người mà chúng quen thuộc hơn. Ví dụ: nếu mẹ là người thường hay đọc truyện cho con trước khi ngủ, thì việc trẻ thích mẹ hơn bố trong trường hợp này là điều dễ hiểu. Vì vậy, nếu con không gần gũi bạn trong một vài hoạt động nhất định cũng không có nghĩa là chúng ít yêu thương bạn hơn.
Hơn nữa, trẻ nhỏ khó hiểu rằng có thể yêu thương cả cha lẫn mẹ cùng một lúc. Đó là cách bộ não của con hoạt động. Trẻ mới biết đi có thể bị thu hút bởi mẹ nhiều hơn và sau đó là với bố vào một thời điểm khác. Vì vậy, có lẽ tất cả những gì bạn phải làm là cho con bạn một khoảng thời gian để phát triển trong giai đoạn này.
Kiểm soát cảm xúc của mình
Sẽ không tránh khỏi giây phút chạnh lòng khi bạn muốn làm điều gì đó với con nhưng chúng lại yêu cầu người còn lại thay vì bạn. Hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc và đừng la mắng trẻ. Bạn có thể nói với chúng rằng bạn cảm thấy buồn khi chúng luôn chọn bạn đời của mình, nhưng hãy cố gắng làm điều đó một cách bình tĩnh, không khiến con bạn cảm thấy tội lỗi vì sự lựa chọn của chúng. Điều này sẽ giúp bạn giao tiếp tốt hơn với con mình và sự chia sẻ cảm xúc của bạn với con có thể dạy chúng biết cách đồng cảm.
Thông cảm cho con
Đôi khi, trẻ có thể từ chối sự giúp đỡ của bạn vì chúng muốn người còn lại làm điều đó, mặc dù người đó hiện không có mặt. Đừng tức giận và hãy cho con bạn thấy rằng bạn hiểu cảm xúc của chúng. Hãy cho con biết rằng bạn nhận ra điều đó thật khó chịu, nhưng hãy giải thích trong những trường hợp như vậy, bạn là người sẽ giúp con.
Hãy tự nhủ rằng bạn vẫn là một bậc phụ huynh tuyệt vời
Nếu con yêu thích bố hoặc mẹ chúng hơn cũng không có nghĩa là bạn nuôi dạy con không tốt bằng người còn lại. Hãy nhớ rằng thiên hướng gần gũi của con hoàn toàn không nói lên giá trị trong việc làm bố mẹ của bạn.
Đừng quá chiều chuộng con chỉ để lấy lòng trẻ
Dù bạn có muốn nhượng bộ với những yêu cầu của con để chúng gần gũi với bạn hơn, vẫn phải luôn nhớ thiết lập và duy trì các giới hạn. Nếu không, trẻ có thể học cách thao túng bạn. Một điều quan trọng nữa là bạn không phải là người duy nhất nói ‘không’ và nghiêm khắc với con, bậc phụ huynh còn lại cũng nên biết về những giới hạn này và cả hai nên thống nhất trong việc dạy dỗ con cái.
Đề cập đến những mặt tích cực của bạn đời
Cố gắng nhấn mạnh những mặt tốt của bạn đời khi bạn ở bên con. Bạn có thể chỉ ra điểm giống nhau giữa bạn và nửa kia, những điểm mà con thích. Và bạn cũng có thể nói về những điều khiến anh/cô ấy trở nên độc đáo. Thậm chí có thể cố gắng tập trung vào những điều con bạn thích thú mà chỉ bạn đời của bạn mới có thể làm hoặc giúp chúng. Sau đó, bạn có thể yêu cầu con đặt tên cho một số điều mà chúng thích ở bạn và người ấy.
Dương Huyền (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)