Jeff Bezos, người Mỹ giàu thứ 4 thế giới với khối tài sản 236 tỷ USD (hơn 6163 nghìn tỷ đồng), nổi tiếng với việc bảo mật thông tin về 4 người con. Tuy nhiên, ông lại rất cởi mở trong việc chia sẻ triết lý nuôi dạy con cái nhằm phát huy tối đa tiềm năng thành công của chúng.
Ông Bezos nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cha mẹ cần giúp con cái sớm thấu hiểu một điều cốt lõi: “Đừng khen con tài giỏi, hãy khen con vì đã nỗ lực”. Vị tỷ phú giải thích: “Chúng ta chỉ nên tự hào vì những lựa chọn của bản thân, không nên tự hào vì tài năng bẩm sinh của mình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thanh thiếu niên, cha mẹ nên hiểu rõ để giúp các con cùng hiểu về vấn đề này”.
Tỷ phú Jeff Bezos
Theo Bezos, giới trẻ thường dễ dàng tự hào về những năng lực thiên bẩm như chơi thể thao giỏi hay học giỏi toán. Dù việc có năng khiếu là điều đáng mừng, nhưng tự hào về nó lại không phải là điều nên làm. Ông cho rằng: “Mỗi người chỉ nên cảm thấy tự hào về cách bản thân sử dụng những món quà thiên bẩm ấy".
Tỷ phú Bezos đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở: "Có đầu óc thông minh, vậy bạn có tiếp tục nỗ lực học tập chăm chỉ không? Chơi thể thao giỏi, vậy bạn có kiên trì luyện tập để đạt tới đẳng cấp cao hơn không? Bạn có thực sự cố gắng không?". Ông kết luận: “Những người xuất sắc nhất là những người biết kết hợp giữa năng khiếu thiên bẩm và sự nỗ lực bền bỉ. Sự nỗ lực đạt đến mục tiêu cao hơn đều đến từ sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Cách chúng ta đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống mới là điều chúng ta nên cảm thấy tự hào, khi nhìn lại cuộc đời mình”.
Lời khuyên của Jeff Bezos hoàn toàn trùng khớp với nghiên cứu của giáo sư tâm lý học người Mỹ Carol Dweck, giảng viên Đại học Stanford. Bà Dweck là người tiên phong trong việc đưa ra khái niệm "tư duy phát triển" (growth mindset), trái ngược với "tư duy cố định" (fixed mindset). Tâm điểm trong nhiều nghiên cứu của bà Dweck chỉ ra một điều rằng, cha mẹ đừng khen con giỏi, hãy khen con đã nỗ lực.
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay lại đang làm ngược lại. Họ dễ dàng khen ngợi con cái về những thành quả thuộc về năng khiếu bẩm sinh, như "Con học giỏi quá!", "Bức tranh con vẽ đẹp quá!", hay "Mẹ rất tự hào về màn trình diễn của con hôm nay!". Tuy nhiên, theo bà Dweck, đây không phải là cách khen ngợi lý tưởng. Thay vào đó, cha mẹ cần tập trung vào việc con đã nỗ lực thế nào, thay vì chỉ tập trung vào kết quả con đạt được.
Một số cách khen ngợi có thể giúp nuôi dưỡng tư duy phát triển ở trẻ bao gồm: “Mẹ thấy con đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho bức tranh này, bức tranh thực sự đẹp”; “Hôm nay con đã nỗ lực biểu diễn hết mình, màn trình diễn rất tuyệt vời”; hay “Mẹ rất tự hào về sự chăm chỉ, bền bỉ của con trong học tập, kết quả này là hoàn toàn xứng đáng với con”.
Nghiên cứu của bà Carol Dweck cho thấy, việc khen trẻ tài năng, giỏi giang thay vì ghi nhận sự nỗ lực có thể khiến trẻ sợ sai lầm, thất bại. Điều này dẫn đến việc trẻ hình thành tư duy cố định, ngại thử thách vì sợ đánh mất hình ảnh hoàn hảo của bản thân. Thậm chí, bà Dweck còn chỉ ra rằng, cách cha mẹ khen con khi trẻ 1-3 tuổi có thể dự đoán được tư duy và tinh thần cầu tiến của trẻ trong vòng 5 năm tiếp theo.
Thực tế cho thấy, không ít người trưởng thành vẫn mang tư duy cố định do cách giáo dục của cha mẹ. Tuy nhiên, theo bà Dweck, không bao giờ là quá muộn để chủ động xây dựng tư duy phát triển, tư duy cầu tiến cho bản thân. Bởi lẽ, mỗi ngày đều là ngày đầu tiên trong cuộc đời phía trước, và điều này đúng với cả trẻ em lẫn người trưởng thành.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)