1. Tuyệt chiêu đầu tiên: Đừng vội vàng
Khi cha mẹ nôn nóng, họ chỉ tập trung vào "sửa chữa con" mà không suy nghĩ thấu đáo. Sự vội vàng biến vấn đề nhỏ thành lớn, tạo vòng luẩn quẩn.
Cha mẹ hãy bình tĩnh. Bởi đằng sau sự trốn tránh của trẻ là nỗi sợ trách nhiệm, thất bại hoặc chỉ trích. Trì hoãn cũng xuất phát từ việc chúng không biết làm, sợ khó khăn, hoặc xu hướng né tránh bản năng.
Khi cha mẹ kiên nhẫn, họ giúp con giảm bớt căng thẳng, từ đó bao dung và xử lý vấn đề hiệu quả hơn. Từ đó, con sẽ chủ động hơn trong mọi việc.
2. Tuyệt chiêu thứ hai: Trì hoãn không phải lỗi nghiêm trọng
Trước nhiệm vụ khó khăn hoặc nhàm chán, ai cũng trì hoãn - đặc biệt là trẻ, khi khả năng tự kiểm soát còn yếu. Trì hoãn chỉ là "phần nổi" của tảng băng chìm. Nguyên nhân sâu xa liên quan đến năng lượng tinh thần thấp, thiếu hứng thú, mất cảm giác giá trị bản thân.
Thay vì xem trì hoãn là "căn bệnh" phải chữa, hãy coi đó là hiện tượng bình thường. Khi trẻ tìm thấy niềm vui trong công việc, chúng sẽ tự động làm mà không cần nhắc nhở.
3. Tuyệt chiêu thứ ba: Tìm hiểu động cơ ẩn sau hành vi
Đừng chỉ nhìn vào biểu hiện bề ngoài. Trẻ trì hoãn thường tự ti nhưng lòng tự trọng cao, kiệt sức tinh thần, thiếu động lực. Chúng gặp khó khăn cụ thể như bài tập quá khó, áp lực tích tụ... nên nghĩ rằng "học cũng vô ích" rồi buông xuôi.
Giải pháp lúc này là cha mẹ cần điều chỉnh cảm xúc của chính mình trước, sau đó đồng hành cùng con. Hãy hỏi: Con có đang gặp khó khăn gì không?; Có phải con bị quá tải nên bất lực?; Con có cảm thấy học tập vô nghĩa không?
Tóm lại, khi cha mẹ bình tĩnh, thấu hiểu và trao quyền tự chủ, trẻ sẽ dần thoát khỏi trì hoãn, trở nên chủ động hơn.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)