Sau khi trở thành mẹ, Hà Anh thường chia sẻ những kinh nghiệm nuôi con với fan. Thậm chí, chân dài còn làm video để truyền tải kiến thức mà cô rút ra được trong quá trình chăm con. Thế nhưng, gần đây Hà Anh nhận được rất nhiều lời khuyên của dân mạng nên bỏ bỉm và tập xi tè cho con.
Trước lời khuyên này, Hà Anh cho rằng:
Một thời gian gần đây tại bình luận ở các video thường ngày của quý cô Mý Là (cách siêu mẫu gọi lái tên của con gái Myla) trên trang Myla Daily có xuất hiện rất nhiều comment kiểu như: "Lớn rồi sao không bỏ bỉm cho con?", "Mặc bỉm nhiều rất bí tội con", "Sao vẫn chưa bỏ bỉm", "Con mình 15 tháng đã bỏ bỉm cả ngày đêm tại sao Myla 21 tháng vẫn mặc bỉm rất khó chịu cho con?"...
Nhìn chung mình không trả lời vì đây là trang blog "Mỗi ngày một chuyện" của quý cô, mình không muốn mượn lời con giao lưu với mọi người, nhưng mình cảm thấy mọi người hỏi rất nhiều, thậm chí nhiều người có thái độ hung hăng, can thiệp thô bạo bằng lời nói mang tính áp đặt để đánh giá về khả năng nuôi dạy và hiểu biết của mình làm cho mình có đôi chút cảm thấy bị xúc phạm nên mình có đôi lời thế này.
1. Đối với những bạn thực sự có quan niệm rằng trẻ con nên sớm tập xi để bỏ bỉm cho đỡ "khó chịu" có thể đọc bài báo mang tính khoa học dưới đây để tham khảo lý do vì sao tôi không vội vã trong việc tập xi cho con và bỏ bỉm.
Trong bài viết Hà Anh chia sẻ về việc tập xi cho bé sớm chưa hẳn đã tốt, bởi:
Một lý do để tập xi tè cho bé sớm là để bé biết đi tè ở những thời điểm nhất định, giúp bé sớm bỏ bỉm, tránh bị hăm, bị rôm sảy. Tuy nhiên, điều này chỉ mang lại thuận tiện cho cha mẹ, ông bà chứ không có lợi cho cơ thể của bé.
Ngày nay các bố mẹ nuôi dạy con theo kiểu “lấy bé làm trung tâm”, có nghĩa là bố mẹ quan sát bé đến khi nào thấy bé có biểu hiện quan tâm đến việc tự đi tè, tự ngồi bô thì mới tập cho bé.
Vì sao không nên tập xi tè cho bé từ sớm?
Bàng quang của bé lớn lên và hoàn chỉnh cho đến lúc 3 tuổi. Bàng quang của bé sẽ phát triển khỏe hơn và nhanh hơn nếu được tích đầy và xả rỗng tự do. Nghĩa là khi bàng quang đầy, bé sẽ tự tè.
Khi chúng ta tập xi tè cho bé, tức là không để bàng quang của bé được tích nước cho tới lúc đầy, mà buộc bé phải đi tè vào những thời điểm nhất định.
Điều này làm bàng quang phát triển không tốt, sau này có thể khiến bé gặp những trục trặc.
Nó cũng dễ dẫn tới táo bón, suy thận và thậm chí nhiễm trùng đường tiểu, chủ yếu là vì bé giữ các chất thải trong đường ruột lâu hơn bình thường.
Như vậy, không nên nôn nóng tập xi tè cho bé. Hãy để bé là em bé đúng nghĩa, mặc bỉm, tè dầm, làm ướt chăn màn, mẹ nhé.
Khi tập xi tè cho bé, chúng ta đã can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể.
Con gái Hà Anh 21 tháng vẫn mặc bỉm và bé được mẹ thay 2 tiếng/lần.
Ngoài ra, siêu mẫu Hà Anh còn nói thêm:
2. Đối với những người hay có thói quen rảnh việc hay đi cho ý kiến dạo, nên tém tém bơn bớt cái "hiểu biết" của các bạn lại, dành nó để nuôi dạy con, cháu mình hoặc ai cần sẽ hỏi bạn. Khi hỏi bạn mà bạn cho ý kiến họ sẽ trân trọng cám ơn.
Chứ không ai hỏi mà cứ ý kiến ý cò vừa mất thời gian các bạn, người ta lại cảm thấy vô duyên. Người ta nói lại lời không hay nó lại mất vui các bạn.
3. Đối với những kẻ bình luận ba trợn hằn học, kiếm cớ khuyên bảo để thể hiện bản thân và khó chịu với người khác - BIẾN!
Trên cùng một toạ đàm, mình cập nhật với bạn bè quan tâm và yêu quý Myla, Myla nhiều tháng nay sáng nào cũng rất ngoan tập đánh răng, ngồi bô... Ngoài ra em vẫn mặc bỉm mỗi ngày, thay rửa mỗi 2 tiếng một, mông thơm mát hơn má của mấy đứa hằn học. Bỉm lúc nào mẹ cũng tích dùng đủ cho nguyên một năm! Nhà có điều kiện, không có nhu cầu xi để tiết kiệm. Em thoải mái, có mẹ lo!".
Từ trước đến nay việc nên xi tè hay đóng bỉm cho bé ở độ tuổi từ 1-2 vốn là vấn đề mà nhiều mẹ tranh cãi. Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: Việc “xi” tè cho trẻ là để tạo thói quen phản xạ có điều kiện đi tiểu theo những thời điểm tốt, không làm ảnh hưởng đến thận, bàng quang hay khung xương như một số người quan niệm. Và khoảng thời gian lý tưởng để bé thích ứng với phản xạ này là từ 1-2 tuổi. Bởi nếu quá sớm (trước 1 tuổi), bé chưa thể nhận thức được việc này.
Còn theo BS Nguyễn Văn Học, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, quan trọng là người lớn phải nắm bắt được “lịch sinh học” của con mình để “xi”. Với trẻ từ 1-2 tuổi, từ sáng đến tối đi tiểu 4-5 lần, ban đêm đi thêm 1-2 lần. Như vậy, cứ 3-5 tiếng, tùy theo lượng nước đưa vào cơ thể của trẻ mà phụ huynh “xi” tè 1 lần là tốt nhất. Và thời gian này, cha mẹ có thể “cai” tã ngủ buổi trưa cho con là phù hợp nhất.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)