Dạy trẻ gặp ai cũng phải biết chào hỏi
Không ít phụ huynh đều có thói quen nhắc nhở con mình phải chào hỏi khi gặp người khác. Nhưng có điều, đôi khi bạn chỉ tập cho trẻ thói quen chào người lạ mà cảm thấy không cần thiết với những người đã quá thân quen. Điều này là một thiếu sót không nhỏ.
Khi bạn không để trẻ tập được thói quen chào hỏi khi gặp người quen, dần dần khi lớn lên có thể khiến trẻ thiếu sự tôn trọng với họ. Trẻ sẽ có tâm lý người đó đã quá quen thuộc rồi thì muốn làm sao cũng được. Chính vì vậy, bạn nên giúp trẻ hình thành phép lịch sự chào hỏi bất cứ ai mà trẻ gặp. Hãy nói với trẻ hành động đó là sự lễ phép và trẻ sẽ được hoan hô, khen ngợi.
Nếu con của bạn bình thường ở nhà đã khá nhút nhát và có phần hướng nội thì bạn đừng quá vội ép trẻ phải vào nề nếp. Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn. Dần dần tự nhiên trẻ sẽ biết phải làm thế nào dù trong tình huống trẻ gặp người khác mà không hề có mặt bạn.
Dạy con kĩ năng lắng nghe và chờ đến lượt khi nói
(Ảnh minh họa)
Lắng nghe người khác là một trong những phép ứng xử tối thiểu mà mỗi người nên biết. Trẻ cần biết lắng nghe những gì người lớn và bạn bè đang nói. Không chen ngang, không nói đồng thời khi trò chuyện với mọi người.
Muốn dạy con kĩ năng lắng nghe, trước hết cha mẹ hãy là những người biết lắng nghe trẻ. Nếu chúng ta gạt đi những gì con nói, trẻ cũng sẽ bắt chước cha mẹ và làm tương tự. Như vậy, chúng ta vô tình biến con thành đứa trẻ hư.
Cũng giống như việc biết lắng nghe, trẻ cần chờ đến lượt khi nói. Đây là những kĩ năng cơ bản mà cha mẹ nên dạy con từ khi con ở lứa tuổi mầm non.
Ai cũng phải làm việc
(Ảnh minh họa)
Sự giàu có nhờ công sức lao động là quý giá nhất. Vì vậy hãy dạy con cái lao động. Việc đó có thể đào tạo con từ nhỏ bằng cách dạy chúng làm việc nhà. Cả người lớn và trẻ em phải tham gia vào dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, thực hiện các công việc thường nhật như rửa bát, quét nhà, nấu cơm… là cách rèn luyện sức khỏe hiệu quả. Đồng thời cũng giúp trẻ giảm thời gian sử dụng TV, các thiết bị điện tử. Khi dạy con làm việc nhà, trẻ sẽ có tính tự lập, không dựa dẫm vào người khác.
Để đảm bảo việc nhà được thực hiện, cha mẹ nên lên lịch phân công việc nhà cho các thành viên. Hãy lưu ý chia việc theo sở thích và sức lực của mỗi người để các thành viên không cảm thấy áp lực khi làm việc.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)